Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Đội ngũ giáo viên cần được tiếp sức

Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 lần đầu tiên triển khai ở cấp THPT đối với lớp 10, đồng thời cuốn chiếu thực hiện đối với lớp 6 và 7 ở cấp THCS. Do là năm đầu tiên triển khai nên các đơn vị trường học tại TPHCM đối mặt nhiều khó khăn, như: thiếu trang thiết bị, giáo viên, chi tiêu tài chính…
Học sinh lớp 6 và giáo viên Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, TPHCM trong giờ học Ảnh: CAO THĂNG
Học sinh lớp 6 và giáo viên Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, TPHCM trong giờ học Ảnh: CAO THĂNG

Quan tâm chế độ cho giáo viên

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết, công tác chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất triển khai CT GDPT 2018 đã được ngành giáo dục thực hiện từ vài năm trước, nhưng khi triển khai trong thực tế vẫn phát sinh nhiều vấn đề, buộc cơ sở giáo dục phải linh hoạt tìm biện pháp tháo gỡ. Đơn cử, theo cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1), chương trình mới có thêm môn Giáo dục địa phương (1 tiết/tuần) và Hoạt động trải nghiệm (3 tiết/tuần) đối với lớp 6, lớp 7, nhưng định mức giáo viên phân bổ cho các trường chưa tính đội ngũ giảng dạy cho hai môn học này. Hiện nay, các trường phải tận dụng giáo viên chủ nhiệm và giáo viên các bộ môn kiêm nhiệm. Ngoài ra, đối với hai môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý, cô Thúy An cho hay: “Năm học này, khi cuốn chiếu thực hiện ở lớp 7, các nội dung tích hợp đòi hỏi khối lượng kiến thức nhiều hơn, trong khi việc tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên chưa đủ đáp ứng nhu cầu giảng dạy thực tế của các đơn vị”. Song song đó, chương trình mới đặt ra nhiều thay đổi về kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh, buộc các trường phải công khai kế hoạch kiểm tra, đánh giá vào đầu năm học; như: có bao nhiêu bài kiểm tra thường xuyên, bao nhiêu bài kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo hình thức nào để có sự đồng hành của phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, đối với cấp THPT, do là năm đầu tiên triển khai chương trình mới nên nhiều trường lúng túng trong việc thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh lớp 10.

Liên quan đến chế độ, chính sách cho giáo viên, thầy Nguyễn Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) bày tỏ, hoạt động trải nghiệm trong chương trình lớp 10 được cơ cấu tương đương một môn học. Trong năm đầu tiên triển khai, có trường thành lập Ban trải nghiệm - hướng nghiệp, có trường thành lập tổ chuyên môn để triển khai hoạt động này. Vấn đề đặt ra là với cách làm chưa thống nhất, chế độ cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được tính như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên? Giải đáp thắc mắc này, ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), nêu ý kiến, nhà trường chủ động thành lập ban hoặc tổ chuyên môn triển khai hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho học sinh lớp 10. Tuy nhiên, nếu tổ chức ban chuyên môn, chế độ chính sách cho giáo viên phải sử dụng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Trường hợp đủ điều kiện thành lập tổ chuyên môn thì sẽ được hưởng chế độ chính sách theo quy định.

Giáo viên và học sinh lớp 7 Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, TPHCM trong giờ học. Ảnh: CAO THĂNG

Bổ sung nguồn tuyển giáo viên

Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) Trương Thị Bích Thủy cho biết, năm đầu tiên triển khai CT GDPT 2018, nhà trường triển khai dạy môn Mỹ thuật với thời lượng 3 tiết/tuần, trong đó 2 tiết theo quy định của chương trình và 1 tiết tăng cường dạy theo chuyên đề nhằm giúp học sinh có điều kiện mở rộng kiến thức, qua đó phát triển năng lực bản thân. Tuy nhiên, hiện nay định mức giáo viên chưa phân bổ người dạy cho môn học này, đơn vị phải hợp đồng thỉnh giảng với giảng viên các trường đại học. “Chúng tôi sử dụng nguồn giáo viên thỉnh giảng cho hai môn học mới là Âm nhạc và Mỹ thuật, chi trả lương từ nguồn học phí công lập. Tuy nhiên, tôi lo lắng nếu năm học tới, số lượng học sinh đăng ký các môn này nhiều hơn thì từ nguồn lực giáo viên, phòng ốc cho đến chi trả lương cho đội ngũ sẽ khiến trường gặp khó”, cô Thủy tâm tư.

Ngoài ra, theo đại diện các trường THPT, đội ngũ cán bộ quản lý ở các trường phổ thông hiện nay ngày càng trẻ hóa nhưng cơ hội học tập, bồi dưỡng trong và ngoài nước còn hạn chế. Nhằm giúp các trường phát huy mạnh mẽ sự chủ động, triển khai hiệu quả CT GDPT 2018, đội ngũ cán bộ quản lý cần được tạo điều kiện tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, song song với các giải pháp bổ sung nguồn tuyển để tránh tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, lưu ý, mỗi đơn vị có đặc thù riêng về nhân sự, tài chính, điều kiện phụ huynh và học sinh nên kế hoạch giáo dục cần xây dựng phù hợp tình hình thực tế. “Một số đơn vị còn mang tư duy cũ trong triển khai hoạt động giáo dục, tổ chức dạy học STEM (mô hình giáo dục trẻ em kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học một cách tích hợp) thành từng chuyên đề chứ không lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động giáo dục. Tôi đề nghị trong năm học này, các trường quan tâm đầu tư trang thiết bị để thực hiện cuốn chiếu CT GDPT 2018, đồng thời tăng cường sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giáo viên dạy chương trình mới”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh.

Đối với việc triển khai hệ thống quản lý học tập trên internet - một trong những quy định mới của triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, các trường triển khai theo hình thức xã hội hóa, tạo cơ sở học tập dùng chung cho học sinh toàn trường. Riêng đối với mô hình câu lạc bộ, nhà trường chủ động lựa chọn các hình thức như: câu lạc bộ năng khiếu do học sinh tự quản, câu lạc bộ học thuật trong chương trình buổi 2 lấy kinh phí hoạt động từ nguồn thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, hoặc câu lạc bộ giáo dục chính trị tư tưởng trong chương trình chính khóa lấy kinh phí từ ngân sách.

Tin cùng chuyên mục