Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM: Công cụ điều tiết hợp lý, hiệu quả

Ngày 21-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã chủ trì hội thảo “Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM”. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, sở ban ngành TPHCM và lãnh đạo các địa phương lân cận. 

Tất cả đều có lợi

 Từ năm 2002, TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng và triển khai liên tục chương trình bình ổn thị trường. Hiện chương trình đã tạo được sức lan tỏa lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng tại TPHCM; đang được nhân rộng và triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. 

Xuyên suốt 20 năm, chương trình với nhiều giải pháp thiết thực đã đảm bảo an sinh xã hội, ổn định nguồn cung cũng như giá cả các mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân. Đặc biệt, từ nguyên tắc cố định giá, đến nay, chương trình thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời; đảm bảo hợp lý, có khả năng dẫn dắt thị trường, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hàng hóa tham gia chương trình luôn thấp hơn thị trường từ 5%-10%.

Chương trình đã giúp ngăn được tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá để trục lợi; hạn chế tình trạng nâng giá hàng tùy tiện. Qua đó, góp phần ổn định giá cả hàng hóa, kiềm chế lạm phát, và giúp giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố thường thấp hơn mức bình quân của cả nước.

Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM: Công cụ điều tiết hợp lý, hiệu quả ảnh 1 Hàng hóa phong phú, đa dạng tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức cho biết, trong thời gian tham gia thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op bình quân đạt 10.000 tấn/năm, trong đó, các mặt hàng bình ổn thiết yếu chiếm 70%-80%. So với năm đầu tiên tham gia chương trình, đến nay sản lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op đã tăng gấp 8 lần; trong đó tỷ lệ hàng Việt Nam tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, tăng từ 17 điểm bán ban đầu lên hơn 600 điểm bán trên cả nước.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) Nguyễn Đăng Phú đánh giá, chương trình đã khẳng định là một trong những công cụ điều tiết thị trường hữu hiệu thông qua cân đối cung cầu, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần kiềm chế lạm phát không chỉ cho TPHCM mà còn cho cả nước. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia chương trình đều có quy mô lớn, chiếm thị phần cao, thương hiệu uy tín và được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. 

“Chương trình đã giúp tạo cầu nối giữa nhà sản xuất - doanh nghiệp phân phối - người tiêu dùng. Sự liên kết này giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. Tạo điều kiện sản xuất, đầu ra ổn định, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất. Qua đó tạo nguồn cung ổn định, bền vững cho thị trường. Chưa kể, tham gia chương trình bình ổn thị trường, doanh nghiệp được ưu tiên giới thiệu cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào mạng lưới điểm bán hiện hữu của chương trình và được kết nối để cung ứng hàng hóa đến những nơi có nhu cầu như chợ truyền thống, bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể… Từ đó, người dân được tiếp cận nguồn hàng hóa kịp thời, giá cả hợp lý”, ông Nguyễn Đăng Phú nói thêm.

Đến nay, trên địa bàn TPHCM có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm. 


Tổng doanh thu chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2012-2022 ước đạt hơn 189.000 tỷ đồng; trong đó, mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến là các nhóm hàng quan trọng, chiếm 18%-33% tổng doanh thu của chương trình. Tổng sản lượng hàng bình ổn thị trường ngày càng lớn, chiếm lĩnh thị phần cao tại thành phố, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Cụ thể, năm 2022, lượng hàng trứng gia cầm bình ổn thị trường chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%... Tổng doanh thu của chương trình năm 2022 ước đạt gần 22.400 tỷ đồng.

Nhân rộng đối tượng tham gia

Theo ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo, để nâng cao hiệu quả chương trình hơn nữa, thành phố nên tăng cường công tác liên kết vùng để có nguồn cung với số lượng nhiều hơn và kiểm soát tốt hơn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Danh mục hàng hóa của chương trình cũng cần được mở rộng, trong đó cần linh hoạt từng thời điểm và bổ sung những mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh. TPHCM cần huy động tổng thể các nguồn lực và các thành phần khác nhau tham gia chương trình; nâng cấp cả số lượng, chất lượng.

“Việc mở rộng tối đa đối tượng doanh nghiệp tham gia chương trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những tỉnh, thành khác cùng thực hiện bình ổn thị trường, không những giúp lan tỏa nhanh, mạnh, hiệu quả mà còn giúp kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội ở phạm vi rộng hơn”, đại diện MM Mega Market đề xuất.

Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM: Công cụ điều tiết hợp lý, hiệu quả ảnh 2 Hàng hóa đa dạng tại MM Mega Market. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo đánh giá của bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, trong bối cảnh dịch Covid-19 và mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, tác động trực tiếp tới giá cả và sức mua trong nước, việc giữ ổn định thị trường nội địa thông qua chương trình bình ổn thị trường có ý nghĩa rất quan trọng. Chương trình đã phát huy hiệu quả tích cực không chỉ riêng tại TPHCM mà còn đóng góp lớn đến sự ổn định, cân đối cung - cầu hàng hóa cả khu vực phía Nam. Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả của chương trình, doanh nghiệp kỳ vọng các sở ban ngành làm việc thêm với chợ truyền thống để đưa hàng bình ổn vào bán. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ thông qua hệ thống phân phối của họ, tiếp cận và tăng cường đưa sản phẩm bình ổn đến các nhóm khách hàng chuyên nghiệp là nhà hàng, khách sạn, công ty… để người tiêu dùng nhiều nơi có thể sử dụng hàng bình ổn dễ dàng với giá tốt. 

Song song đó, các sở ngành cần hỗ trợ kết nối tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến chế biến, vận chuyển, phân phối… tham gia và thống nhất cắt giảm một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn giữa các doanh nghiệp cũng như với người tiêu dùng, thì hiệu quả của chương trình bình ổn sẽ được nâng cao, tạo sự đột phá và được nhân rộng. Thành phố nên tăng cường hỗ trợ truyền thông nhận diện thương hiệu của chương trình để giúp người dân dễ dàng nhận diện hàng bình ổn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM PHAN THỊ THẮNG: Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội

Với vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TPHCM là nơi tập trung đông lao động từ các tỉnh, thành đến lập nghiệp. Việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không chỉ cho người dân thành phố mà cho tất cả người lao động nhập cư, đặc biệt là người dân nghèo, công nhân, người lao động thu nhập thấp - đối tượng chịu tác động đầu tiên và trực tiếp ngay khi giá cả hàng hóa thiết yếu có biến động - luôn là trăn trở của thành phố. Và thành phố cũng xem đó là trách nhiệm phải tập trung để chăm lo cho mọi người dân. Trong bối cảnh đó, Chương trình bình ổn thị trường đã ra đời và sau 20 năm thực hiện, cùng với sự phát triển của thành phố, trong từng bối cảnh, qua từng giai đoạn đã có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện để tiếp tục gần gũi, đồng hành với người nghèo, người thu nhập thấp; góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội.

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy, trong giai đoạn khó khăn nhất, khi người dân hoang mang, đẩy mạnh thu gom tích trữ; hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa gặp nhiều khó khăn; cộng đồng doanh nghiệp thành phố nói chung, doanh nghiệp bình ổn thị trường nói riêng đã chủ động, sáng tạo, kịp thời ứng phó với tình hình mới, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường, góp phần cùng thành phố giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, duy trì các chuỗi cung ứng trong giai đoạn này. Đại dịch cũng giúp chúng ta nhận ra nhiều thách thức, tồn tại, hạn chế, yếu kém cần khắc phục, điển hình là chuỗi cung ứng hàng hóa nói chung, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu nói riêng vẫn còn rời rạc, dễ bị đứt gãy. Tất cả điều này đòi hỏi doanh nghiệp, các sở ngành liên quan phải điều chỉnh, thích nghi mạnh mẽ hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục