“Chúng tôi đã trở thành bạn như thế”

Qua những kết nối trên Internet, các cựu binh 2 bên tìm thấy và bắt tay nhau, và những cựu binh Mỹ đã cung cấp nhiều thông tin, trao cho phía Việt Nam nhiều kỷ vật của các liệt sĩ Trung đoàn 209.
Cựu binh Ronald Reddy đã 7 lần sát cánh cùng các cựu chiến binh Việt Nam trong các chuyến tìm hài cốt liệt sĩ Trung đoàn 209. Ảnh: Hồ Đại Đồng
Cựu binh Ronald Reddy đã 7 lần sát cánh cùng các cựu chiến binh Việt Nam trong các chuyến tìm hài cốt liệt sĩ Trung đoàn 209. Ảnh: Hồ Đại Đồng

Hàng chục năm sau khi chiến tranh kết thúc, trong những cuộc trở về chiến trường Chư Tan Kra khốc liệt năm xưa tìm kiếm di cốt đồng đội đã mất của những cựu chiến binh Trung đoàn 209 Quân đội nhân dân Việt Nam có sự tham gia của cả các cựu chiến binh Mỹ, những đối thủ một mất một còn năm xưa của họ.

Trở lại Việt Nam

Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn 209 chủ yếu là thanh niên Hà Nội, từ huyện Gia Lâm, Đông Anh và các quận nội thành tình nguyện lên đường chống Mỹ, đã hành quân cấp tốc bổ sung chiến trường Tây Nguyên. Họ được huấn luyện kỹ càng suốt cả năm, trang bị những vũ khí tối tân nhất và mang mũ sắt Liên Xô nên được gọi là Trung đoàn mũ sắt. Những trận giao tranh khốc liệt khiến 400 bộ đội Việt Nam nằm lại nơi đây, trong đó trận Chư Tan Kra lịch sử rạng sáng 25-3-1968 là trận thử lửa của các chàng trai mũ sắt Hà Nội, chỉ hơn 1 ngày, nhưng là một chương khốc liệt với cả hai bên. Hơn 200 bộ đội ta hy sinh anh dũng, còn phía Mỹ thương vong tới 198 người, làm rúng động nước Mỹ, khiến phong trào phản chiến ở Mỹ dâng cao.

Hơn 40 năm sau, đến năm 2009, những cựu binh mũ sắt năm xưa bắt đầu trở lại Chư Tan Kra tìm kiếm hài cốt đồng đội nằm lại nơi chiến trường. Qua 10 năm với 30 chuyến đi tìm đồng đội, các cựu binh trung đoàn mũ sắt năm xưa với sự giúp đỡ của địa phương đã tìm thấy nhiều ngôi mộ chung, quy tập được hàng chục hài cốt liệt sĩ.

Và trong hành trình tìm kiếm đồng đội của họ, không thể không kể đến sự đóng góp của các cựu chiến binh Mỹ, những người từng là đối thủ của bộ đội Việt Nam trên chiến trường Chư Tan Kra năm 1968. Qua những kết nối trên Internet, các cựu binh 2 bên tìm thấy và bắt tay nhau, và những cựu binh Mỹ đã cung cấp nhiều thông tin, trao cho phía Việt Nam nhiều kỷ vật của các liệt sĩ Trung đoàn 209.

Ronald Reddy là cựu binh Mỹ từ Colorado Springs, bang Colorado. 7 năm qua, gần như năm nào ông cũng tham gia vào các chuyến đi của Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209. “Tôi luôn muốn trở lại Việt Nam với tư cách là một người bạn, một người khách du lịch. Tôi rất muốn gặp lại các cựu binh quân đội Bắc Việt từng là đối thủ. Họ thực sự là những người dũng cảm và chúng tôi rất tôn trọng họ với tư cách là những người lính với nhau. Tôi hy vọng cũng được họ tôn trọng, và điều đó đã đến. Chúng tôi đã trở thành bạn như thế”, ông Ronald Reddy cho biết.

Từ năm 2014 đó, lòng tin được thiết lập, Ronald Reddy và các cựu binh Mỹ khác thường đi cùng các cựu binh Việt Nam trở lại Sa Thầy vào dịp cuối tháng 3. Thật khó hình dung, ông và các cựu binh Mỹ cùng leo núi, băng rừng, ăn cơm nắm, cùng thắp hương tưởng niệm những người lính Việt Nam đã mất cũng như đồng đội cũ của ông.

“Mỗi lần trở lại Kon Tum, tôi lại cảm thấy như mình đang về nhà. Cùng với những người bạn cựu binh Việt Nam, chúng tôi đã trở lại nơi chúng tôi từng sinh tử với nhau, nơi rất nhiều người lính của 2 bên đã ngã xuống. Tôi thật tiếc là chúng tôi đã phải đánh nhau, và mong muốn giá như có cách nào đó để chúng tôi gặp nhau, đấu bóng với nhau chẳng hạn, thay vì một trận đánh”, ông Ronald Reddy nói.

Chia sẻ và hòa giải

Mỗi năm, sức khỏe và tuổi tác khiến Ronald Reddy cùng các cựu binh cả 2 bên mỗi khó khăn hơn trong các chuyến đi dài ngày đầy vất vả, nhưng chưa năm nào họ bỏ cuộc. Hay Paul OGreen, một cựu binh khác từ California từng chiến đấu ở Chư Tan Kra, cũng thường tham gia các chuyến đi hàng năm đó.

Ông Hồ Đại Đồng, cựu chiến binh Trung đoàn 209, còn nhớ năm 2015, lần đầu tiên Paul OGreen trở lại Việt Nam từ sau chiến tranh, ông cũng đi leo núi, nhưng đi được 2/3 đường thì ông bị chuột rút không thể đi tiếp. Khi đó, ông lấy trong ba lô ra một cái lọ nhờ các cựu chiến binh Việt Nam lên đỉnh núi lấy một chút đất trong hầm cũ của lính Mỹ, nơi có xương máu của 2 bên để lại. Và những năm sau, Paul OGreen tiếp tục đến Kon Tum để tự mình lấy được nắm đất ấy. Ông bảo: “Điều đó rất quan trọng với tôi”.

Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội hy sinh ở Chư Tan Kra đã được dựng lên nơi này. Năm 2018, kỷ niệm 50 năm trận đánh, một đoàn cựu binh Sư đoàn 4 Mỹ và người thân của họ đã đến đây. Lần đầu tiên, họ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm. Và danh sách quân nhân Mỹ chết trận cũng được đặt ở đài trong lễ cầu siêu. Nước mắt cựu binh và người dân 2 bên đã rơi, đã hòa vào nhau trong ngày giỗ trận.

Paul OGreen nhớ lại việc ông gặp một phụ nữ Việt Nam 70 tuổi khi ông đến Việt Nam năm 2015. Bà là chị của một liệt sĩ Chư Tan Kra. Ông bảo, bà cũng giống như chị gái ông vậy: “Tôi hình dung nếu tôi không trở về thì chị gái tôi sẽ đau đớn chừng nào. Vì thế tôi thấu hiểu nỗi đau của bà ấy, hiểu rằng bà ấy phải khó khăn thế nào để vượt qua mất mát này”.

Ký ức về Việt Nam với họ không chỉ là đạn bom và chết chóc. Ronald Reddy rất nhớ khoảng lặng giữa những cuộc tấn công, những cánh rừng nhiệt đới xanh ngút ngàn cùng những buổi lễ đầy sắc màu của bà con dân tộc thiểu số mà ông đã chứng kiến từ năm 1968.

“Chúng tôi đã có những ký ức rất đẹp như vậy ngay cả trong chiến tranh và luôn cố gắng quên đi những điều đau thương. Lúc đó, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ được giao mà chẳng hề có mục đích cá nhân. Thực sự chúng tôi rất tôn trọng đối phương với tư cách là những người lính”, Ronald và Paul chia sẻ.

Năm 2019 này, ông Ronald Reddy tiếp tục tham gia lần thứ 7 chuyến tìm đồng đội với các cựu binh Trung đoàn 209. Không còn ngăn cách, chỉ còn sự cảm thông với những gì đã trải qua trong chiến tranh và sự biết ơn với những điều đã chia sẻ trong hòa bình.

Và Việt Nam bây giờ với Ronald Reddy là một đất nước đã hoàn toàn thay đổi: “Tôi rất ấn tượng với những tiến bộ Việt Nam đã đạt được từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá năm 1975 để trở thành một đất nước hiện đại như ngày nay”.

Ông luôn luôn kể với người quen của ông ở Mỹ khi trở về, rằng: “Việt Nam là nơi hoàn hảo để đi du lịch nước ngoài chứ không phải châu Âu”.

Ông ấn tượng với đồ ăn ngon của Việt Nam, thích con người thân thiện, thích cách người Việt đã và đang làm... Cùng nhau, các cựu binh 2 bên đã hòa giải, đã viết tiếp những trang đầy ý nghĩa cho lịch sử, cho chính cuộc sống của mình.

Tin cùng chuyên mục