Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn

Ngày 20-5, Hội nghị quốc tế lần thứ 26 về Tương lai châu Á (FOA 2021) với chủ đề “Định hình kỷ nguyên hậu Covid-19: Vai trò của châu Á trong quá trình hồi phục toàn cầu” đã khai mạc ở Tokyo, theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Châu Á cần tận dụng cơ hội

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó dự báo ở khu vực. Ngoài ra còn có các vấn đề về tái kết nối khu vực thông qua giao lưu văn hóa, giao lưu con người; tăng cường liên kết kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực; những lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong kỷ nguyên Covid-19; và vai trò của châu Á trong tiến trình phục hồi và duy trì động lực phát triển của kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nhấn mạnh, châu Á cần đi đầu trong việc dỡ bỏ các bảo hộ bằng sáng chế để giúp sản xuất các loại thuốc gốc rẻ hơn cho các bệnh nghiêm trọng, từ các loại vaccine Covid-19 cho tới các loại thuốc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS.Thủ tướng Muhyiddin cũng cảnh báo “sự thiếu niềm tin” giữa các cường quốc thế giới trong các vấn đề thương mại, công nghệ và các vấn đề địa - chính trị khác. Theo ông, châu Á cần coi cuộc khủng hoảng hiện nay là cơ hội để giúp xây dựng một thế giới bình đẳng hơn với sự quản trị toàn cầu tốt hơn.

Đề xuất 5 phương châm và 6 nội dung hợp tác

Tham dự hội nghị từ điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu sắc, mạnh mẽ, khó lường đến cục diện thế giới, khu vực cũng như đời sống kinh tế - xã hội của các nước. Hoàn cảnh đặc biệt này đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt, giải pháp phải đặc biệt.

Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á 
lần thứ 26 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG
Với quan điểm như vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 5 phương châm và 6 nội dung hợp tác để các nước chia sẻ và “Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu Covid-19”. Năm phương châm bao gồm: phát triển mạnh mẽ nội lực, khả năng thích ứng, tự lực tự cường; củng cố hợp tác quốc tế; lấy con người làm trung tâm; lấy những giá trị văn hóa cốt lõi tốt đẹp làm nền tảng; lấy khó khăn thách thức làm động lực vươn lên. Sáu nội dung hợp tác bao gồm: Phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao để kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tạo đột phá chiến lược về dài hạn; thúc đẩy tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng, hiệu quả nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại, đầu tư và hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ; đưa công nghệ số, chuyển đổi số trở thành động lực giúp châu Á chuyển mình trong giai đoạn hậu Covid-19; thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch; tăng cường phối hợp xử lý đại dịch Covid-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, an sinh xã hội, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế tương lai; bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển là điều kiện tiên quyết cho phục hồi và phát triển thịnh vượng sau đại dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, các nước cần đóng góp có trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Các tranh chấp và bất đồng liên quan vấn đề Biển Đông cần được giải quyết bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương Liên hiệp quốc, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; phát huy các cơ chế hợp tác đa phương, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sớm đạt hiệu quả; duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Tin cùng chuyên mục