Chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là quốc gia có nguy cơ bị thiên tai cao, với hơn 70% trên tổng số 92 triệu dân chịu ảnh hưởng từ các hiểm họa liên quan đến khí hậu như lũ lụt, bão.
Người dân miền Trung hàng năm phải chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt Ảnh: Ngọc oai
Người dân miền Trung hàng năm phải chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt Ảnh: Ngọc oai
Các nhà hoạch định chính sách và các cộng đồng ở Việt Nam đang nắm trong tay quyền kiểm soát các yếu tố rủi ro thiên tai của đất nước mình. Nếu không đầu tư vào khả năng phục hồi từ hôm nay thì sẽ bỏ lỡ mất cơ hội cho tiến trình phát triển về xã hội, kinh tế và môi trường. Đây là thông điệp mà đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã gửi đến hội thảo “Khởi động dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung” được tổ chức tại Bình Định ngày 22-1.
Dự án được triển khai từ năm 2017 - 2021 tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư 118 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi, nâng cao nhận thức cộng đồng trong ứng phó, khắc phục thiên tai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết: Thực hiện dự án là điều thuận lợi để các địa phương nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, tái thiết cơ sở hạ tầng đã bị mưa lũ làm hư hỏng, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bình Định cam kết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, lựa chọn và thực hiện tốt các công trình, đảm bảo yêu cầu của dự án.
Ông A Chim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và hoạt động dự án của WB, cho biết: Dự án này sẽ đảm bảo cho 5 tỉnh với khoảng 5,1 triệu dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai được hưởng lợi và có khả năng thích ứng tốt hơn trong tương lai. 
Hiện tại dự án có gặp khó khăn tuy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng vẫn chưa được Quốc hội đưa vào kế hoạch đầu tư vốn trung hạn của Trung ương và địa phương. “Trong khi chờ vốn từ Ngân hàng Thế giới, tôi mong rằng chúng ta nên trao đổi với UBND các tỉnh, sử dụng nguồn vốn ứng trước để thực hiện các bước khởi động, giải phóng mặt bằng. Về thiết kế kỹ thuật của dự án, chúng tôi mong ban quản lý dự án nên phối hợp với các ban, ngành từng địa phương để đảm bảo đúng thiết kế, an toàn phù hợp”, ông A Chim Fock cho hay.
Phía chuyên gia JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) chia sẻ thêm, trước đây, JICA đã xây dựng cộng đồng ứng phó thiên tai tại một số tỉnh ở miền Trung, như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, sau đó có thêm Hà Tĩnh, Nghệ An và đạt được nhiều kết quả to lớn. Theo JICA, dự án có thể chia ra làm 3 loại: bảo dưỡng thường xuyên các công trình; sửa chữa liên tục; xây dựng, khôi phục lại hoàn toàn các dự án, còn gọi là “phẫu thuật”. 
Trước đó, JICA đã tiến hành nhiều đợt khảo sát thực tế, nghiên cứu tại các tỉnh miền Trung và đã xây dựng được 1 tài liệu giám sát. Theo JICA, điều quan trọng nhất để dự án đạt hiệu quả cao là việc xây dựng kế hoạch của các bên. Điển hình như ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, lãnh đạo các ban, ngành tại đây hợp tác, hỗ trợ rất tích cực để tham gia xây dựng kế hoạch.
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là quốc gia có nguy cơ bị thiên tai cao, với hơn 70% trên tổng số 92 triệu dân chịu ảnh hưởng từ các hiểm họa liên quan đến khí hậu như lũ lụt, bão. Hàng năm thiên tai ở Việt Nam gây tổn thất lên đến 1,5% GDP của quốc gia. Việt Nam có thể bị tổn thất trên 4% GDP trong trường hợp bị thiên tai nghiêm trọng. Quản lý rủi ro thiên tai là một bộ phận không thể tách rời của việc đảm bảo kinh tế và phúc lợi xã hội.

Tin cùng chuyên mục