Chung tay ngăn ngừa hành vi côn đồ

LTS: Ngày 11-2, Báo SGGP có bài phản ánh về hành vi côn đồ trong cuộc sống, nhất là những vụ việc xích mích nhỏ lẻ, như va chạm giao thông, mâu thuẫn trong lời ăn, tiếng nói… Thay vì đôi bên cùng nhường nhịn, nhận lỗi để xử lý vụ việc nhẹ nhàng thì không ít trường hợp người trong cuộc hành xử rất hung hăng, thậm chí gây ra hậu quả chết người. 

Sau khi bài viết đăng tải, chúng tôi nhận được ý kiến của bạn đọc cùng bàn luận, góp ý về vấn đề này, nhằm chung tay ngăn ngừa hành vi côn đồ, để xã hội an toàn, bình yên!

Thượng tá TRẦN HỒNG MINH (Trưởng Công an quận 3, TPHCM):

Tăng cường tuần tra, giám sát để phòng ngừa

Chung tay ngăn ngừa hành vi côn đồ ảnh 1
Quận 3 là địa bàn có nhiều nghề dịch vụ như quán nhậu, cà phê, karaoke, nhà hàng, khách sạn… phát triển mạnh. Do đặc thù những ngành nghề này tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, dễ va chạm nên thường dẫn đến đánh nhau, trả thù, gây thương tích. Có những hành vi côn đồ xuất phát từ những việc rất nhỏ, như mâu thuẫn bình luận trên mạng xã hội; va chạm trên đường; trêu ghẹo nhau ở quán nhậu, cà phê; mời bia trong quán…, nhưng nhiều thanh thiếu niên lại chọn cách đánh nhau để giải quyết. Đơn vị nhiều lần vận động phụ huynh, gia đình giám sát chặt chẽ, quan tâm con em trong độ tuổi thanh thiếu niên nhiều hơn để phát hiện những tâm tư của con em, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời. 

Đối với một số đối tượng thanh niên mới lớn không chịu học hành, lười lao động, thường tụ tập, gây rối tại các quán karaoke, quán game, công an đã gọi hỏi, răn đe các đối tượng này. Cùng với việc phòng ngừa, Công an quận 3 cũng điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội để răn đe các đối tượng khác. Ngoài ra, đơn vị thành lập các tổ công tác tuần tra kiểm soát ban đêm. Các tổ công tác này đã phòng ngừa, ngăn chặn nhiều vụ gây rối, phạm pháp hình sự trên địa bàn.
 
Bà NGUYỄN HUỲNH HOÀI THƯƠNG (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TPHCM): 

Phải xử lý nghiêm để răn đe 

Chung tay ngăn ngừa hành vi côn đồ ảnh 2
Thời gian qua, những hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật và thiếu tình người sau va chạm giao thông diễn ra khá phổ biến. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, huy động vai trò của từng người dân, cộng đồng dân cư trong việc cùng tham gia phát hiện, ghi hình, liên hệ, thông tin nhanh chóng đến cơ quan có thẩm quyền. Nếu có tính chất côn đồ đã đủ căn cứ thì truy cứu trách nhiệm hình sự, không cần chờ kết quả giám định thương tích. 

Tôi cũng có con đang ở độ tuổi trưởng thành nên thường xuyên quan tâm, dạy con học cách nhường nhịn, trang bị kỹ năng và văn hóa giao tiếp, ứng xử phù hợp khi gặp các tình huống bất ngờ. Bậc phụ huynh phải làm gương cho con trẻ. Qua những sự việc vừa xảy ra, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh và công khai kết quả để răn đe, phòng ngừa.

Ông NGUYỄN BÁ DUY PHƯƠNG (Hội thẩm nhân dân TAND quận 3, TPHCM):

Cần nghiêm trị thích đáng

Chung tay ngăn ngừa hành vi côn đồ ảnh 3
Các hành vi côn đồ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do bốc đồng, bực tức, vì say xỉn, ngáo đá hay vì lý do nào khác thì cũng cần nghiêm khắc xử lý. Do vậy, tôi mong muốn cơ quan chức năng điều tra thấu đáo, hợp tình, đạt lý. 

Các văn bản luật của Việt Nam không thiếu những điều khoản cụ thể để xử lý các hành vi côn đồ như vậy. Nếu lần đầu có thể xử phạt hành chính, nhưng nếu tái phạm thì phải xử lý hình sự. Dứt khoát không thể dung thứ cho những sai phạm như vậy, bởi lẽ nếu không nghiêm trị thích đáng sẽ tạo tiền lệ cho kẻ xấu tiếp tục hành vi chống lực lượng công an nói riêng (như trong clip chú công an ở quận 1, tphcm bị kẻ xấu hành hung đăng tải trên mạng xã hội), người thi hành công vụ nói chung cũng như những công dân khác.

Bạn TRẦN BÙI THANH THỦY (sinh viên Học viện Cán bộ TPHCM): 

Trách nhiệm của gia đình và xã hội

Chung tay ngăn ngừa hành vi côn đồ ảnh 4
Xã hội đang phải đối mặt với hiện tượng hung hãn, côn đồ, coi thường pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên. Để ngăn ngừa sự hung hăng, côn đồ, coi thường pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng trong cộng đồng thì trách nhiệm chủ yếu từ gia đình, nhà trường và xã hội. Cần bắt nguồn từ sự giáo dục của gia đình trên nền tảng của sự yêu thương, chia sẻ đạo đức và truyền thống.

Hệ thống giáo dục cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống một cách thiết thực, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, giúp học sinh biết cách xử lý khi đối mặt với những khó khăn. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt tuyên truyền pháp luật, các phương tiện truyền thông cần đăng tải nhiều gương người tốt việc tốt sinh động. Điều này giúp thế hệ trẻ có thái độ tích cực, cổ vũ cái tốt, lấn át cái xấu.

Tin cùng chuyên mục