Chung tay giữ vùng mía nguyên liệu

Trong khi một số nhà máy đường còn nằm êm, chưa hoạt động, nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, lại phấn khởi bán mía cho thương lái với giá 1.800-2.800 đồng/kg. Mức giá này cao gấp 1,5-2 lần so với giá thu mua của một số nhà máy đường.

Nông dân chủ yếu bán mía chục dùng ép bán nước mía, nên các nhà máy đường càng gian nan trong việc giữ vùng mía nguyên liệu. Chưa kể, việc trồng mía chục có thời gian chín ngắn hơn trồng mía bán cho nhà máy đường (2 năm có thể trồng được 3 vụ).

Dù có chút tiếc nuối do bán sớm nhưng ông Lý Hoàng Ngoan ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp) vẫn vui: “Bán mía chục so với bán cho nhà máy, mình lời hơn nhiều. Bán cho nhà máy vụ rồi chỉ 1.200-1.300 đồng/kg mà tốn chi phí nhân công hết 200-300 đồng/kg rồi. Còn bán mía chục, thương lái thuê nhân công thu hoạch, mình không tốn tiền công…”. Ông Ngoan vừa bán xong 1,5 công mía Roc 16 theo hình thức mía chục làm nước ép, thu về hơn 37 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi hơn 15 triệu đồng. 

Thực tế, diện tích mía ở ĐBSCL, nhất là ở Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre đang giảm nghiêm trọng, khiến vùng nguyên liệu trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, gần 10.000ha mía ĐBSCL đã “phai màu”, như ở tại huyện Trà Cú (Trà Vinh), từ 4.200ha nay còn 800ha. Điều đó khiến nhiều nhà máy đường ở ĐBSCL đóng cửa.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong 3 vụ sản xuất vừa qua, sản lượng mía nguyên liệu cả nước bình quân giảm 44,76% (từ 12,2 triệu tấn xuống còn 7,66 triệu tấn), riêng tại ĐBSCL giảm đến 81,83%. Đã vậy, giá đường trong nước không thể cạnh tranh với giá đường nhập khẩu từ các nước ASEAN. 
Từ giữa tháng 6-2021, khi Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, giá đường trong nước từ mốc 13.000-14.000 đồng/kg bật tăng dần lên ngưỡng 17.000-18.000 đồng/kg. 

Tuy nhiên, một số nhà máy ở ĐBSCL chỉ mua mía giá khoảng 1.200 đồng/kg trở lên. Vụ mía 2022-2023 sắp bắt đầu, nông dân 3 vùng nguyên liệu mía chủ yếu (Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh) đang chờ giá thu mua mía của nhà máy một cách hợp lý. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đề nghị các nhà máy đường có chiến lược phát triển dài hơi đối với vùng mía nguyên liệu cũng như chính sách đối với nông dân trồng mía. Cần hài hòa lợi ích giữa nông dân, doanh nghiệp, người lao động. Chỉ khi nông dân thấy được lợi ích, họ mới yên tâm duy trì vùng trồng mía nguyên liệu...

Tin cùng chuyên mục