Chung tay giảm phát thải

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã cam kết, Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu này thể hiện vai trò lãnh đạo về khí hậu của quốc gia, đồng thời gửi thông điệp quan trọng tới cộng đồng quốc tế về hướng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, sự vào cuộc, chung tay từ phía cộng đồng doanh nghiệp (DN) có ý nghĩa quan trọng để sớm đạt được mục tiêu này. 
Xử lý rác thải nhựa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi, TPHCM)
Xử lý rác thải nhựa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi, TPHCM)

Giảm tác động tới môi trường

Thời gian qua, nhiều DN sản xuất và kinh doanh đã đẩy mạnh phát triển xanh, phát triển bền vững thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường. Cụ thể, hệ thống bán lẻ Co.op Mart đã kêu gọi giảm sử dụng ống hút nhựa một lần, hướng tới sử dụng các loại ống hút thân thiện với môi trường; Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để thực hiện khép kín quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt... 

Một số đơn vị khác như Công ty Tetra Pak Việt Nam đang nỗ lực để sử dụng nguyên liệu tái sinh và giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình, nhắm đến 100% vật liệu tạo nên hộp giấy sẽ làm từ nguyên liệu tái sinh, có thể tái chế được hoàn toàn. Hay như Công ty TNHH La Vie (thuộc tập đoàn Nestlé) hỗ trợ các đối tác tiết kiệm hàng triệu lít nước trong sản xuất, chú trọng ưu tiên bảo vệ và tái tạo nguồn nước tự nhiên là một trong những mục tiêu phát triển bền vững. Công ty TNHH La Vie đã hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật và thiết bị, giúp Công ty Tiến Đạt giảm đáng kể lượng nước dùng cho hệ thống làm mát máy; hỗ trợ Công ty CP Bia và Nước giải khát Hòa Bình tái sử dụng nước cho một số khâu trong sản xuất...

Tương tự, bà Nguyễn Phương Chi, đại diện Công ty Sợi Thế Kỷ, chia sẻ, các nhãn hàng thời trang nói chung và Công ty Sợi Thế Kỷ nói riêng, cũng đã có cam kết và hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu. Công ty đã đưa ra các hành động cụ thể như: sử dụng năng lượng hiệu quả; đảm bảo sử dụng 100% năng lượng điện từ các nguồn tái tạo; sử dụng 100% các nguồn vật liệu ưu tiên ít ảnh hưởng đến khí hậu và kêu gọi các nhà cung ứng trong chuỗi cùng tham gia hành động. Từ 2017, công ty đã bắt đầu sử dụng sản phẩm sợi tái chế, giúp giảm được 25% lượng carbon thải ra môi trường. Giai đoạn 2021-2025, công ty sẽ tăng tỷ trọng sợi tái chế từ 44,7% năm 2020 lên 100% vào năm 2025 và vận hành dự án năng lượng mặt trời cho 2 nhà máy ở Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi (TPHCM).  

Cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay

Theo ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng nhóm quan hệ đối tác, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay, vai trò của DN cần phải được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa. Không tổ chức nào khác, chính cộng đồng DN là “chìa khóa vàng” để thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết. Thời gian qua, VCCI cũng đã đồng hành với những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu bằng cách kết nối các thành viên với các DN và tổ chức có cùng tầm nhìn để đưa ra những chiến lược hiệu quả cho sự phát triển bền vững. Giải thưởng “Doanh nghiệp bền vững” hàng năm do VCCI tổ chức cũng là một động lực quan trọng để các DN đẩy mạnh phát triển. 

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam, cũng nhận định, biến đổi khí hậu, hiện trạng phát thải khí nhà kính là những mối đe dọa tương quan và không thể tách rời đối với DN và cộng đồng. Dragon Capital sẽ nỗ lực để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ giải quyết thách thức toàn cầu thông qua vai trò của một nhà đầu tư dài hạn, tích cực. “Dragon Capital cam kết hợp tác lâu dài với Việt Nam. Lợi ích lâu dài của Việt Nam cũng là lợi ích của Dragon Capital”, ông Dominic Scriven nhấn mạnh. 

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, hiện nay, thực trạng biến đổi khí hậu, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên, môi trường sống trên toàn cầu đang đặt ra những thách thức to lớn. Trong thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của Bộ TN-MT đã được các DN quan tâm và hưởng ứng.

Bộ TN-MT mong muốn thời gian sắp tới, cộng đồng DN hãy chung tay, đồng hành cùng Bộ TN-MT nâng cao nhận thức, trách nhiệm; thay đổi, sử dụng, áp dụng công nghệ mới, công nghệ xanh để tạo ra nhiều sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường, hướng đến bao bì bền vững. Đây hoàn toàn là những bước đi cần thiết để góp phần cải thiện môi trường tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục