Chúng ta sẽ chiến thắng!

LTS: Trao đổi qua thư điện tử, nữ nhà báo Daria Alamova, hiện đang viết cho tờ KP.RU, cho biết, thủ đô Moscow của Nga vẫn đang trong thời gian thực hiện cách ly khắc nghiệt nhất do dịch Covid-19, có thể kéo dài cho đến hết tháng 5. 

Tình hình là hết sức nghiêm trọng (Nga xếp thứ 2 thế giới, sau Mỹ về số ca mắc Covid-19), nhưng không vì thế mà người Nga mất đi niềm tin vào Ngày Chiến thắng như cách nay 75 năm. Nữ nhà báo gửi đến Báo SGGP bài ghi chép nhỏ về cô con gái - một nữ bác sĩ tim mạch đã tình nguyện làm y tá tại khoa Chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Truyền nhiễm Moscow trong những ngày dịch Covid-19 đang hoành hành. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Chúng ta sẽ chiến thắng! ảnh 1 Bác sĩ tim mạch Sonia 
Ngôi nhà trống vắng

Với tất cả chúng tôi, ngày 9-5 năm nay có lẽ là Ngày Chiến thắng buồn bã nhất trong lịch sử. Trước đây, cha tôi thường bay từ Khabarovsk tới Moscow để tham gia diễu hành trong “Trung đoàn bất tử” (ba đã mất 2 năm trước). Chồng tôi - Robert, từ Croatia cũng thường có mặt ở thủ đô vào dịp lễ này, nhưng hiện biên giới đóng cửa và đã 2 tháng rồi, chúng tôi chưa gặp mặt nhau; còn cô con gái Sonia thì đang bận rộn với bệnh nhân mắc Covid-19 ở khoa Chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Truyền nhiễm Moscow. 

Bầu trời ảm đạm, những chiếc xe cấp cứu hú còi, đường phố ẩm ướt vắng bóng người. Lạnh lẽo. Người ta đã tắt hệ thống sưởi ấm. Không còn cả tiếng hò hét của lũ trẻ vì bố mẹ chúng đã đưa chúng về Dacha (dạng nhà nghỉ ở ngoại ô). Bạn bè cũng tứ tán, ẩn nấp ở vùng ven. Đến giờ mới hiểu, tất cả đều trong nhóm nguy cơ lây nhiễm. Và người ta sợ hãi khi phải đến thăm nhau. Năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày Chiến thắng 9-5 là tôi lại khóc. Năm nay, tôi xem lại những bộ phim thời Xô Viết và khóc thút thít từ sáng sớm.

Xa và gần

Khi trời nhá nhem tối, tôi giật mình nghe thấy tiếng chuông cửa. 
- Ai đấy? (tôi hốt hoảng thốt lên).
- Người nhà (tôi nghe được giọng 
con gái).
- Sonia, là con sao?
- Mẹ đừng sợ, con không vào nhà đâu. Mẹ chỉ cần mở cửa thôi.
Tôi mở cửa nhà và nhìn thấy thân hình quen thuộc đeo khẩu trang đứng gần thang máy, trên tay là bó hồng lớn. Theo lẽ thường, chúng tôi phải lao vào ôm hôn nhau, nhưng lại không thể.
- Con biết là mẹ sẽ ngồi nhà, 
khóc nhớ ông (con gái nói). Mẹ đứng xa ra một chút.
Sonia cẩn thận đặt bó hoa ở cửa ra vào và thêm một túi xách lớn.
- Trong này có rượu vang, rượu champagne, đồ ngọt, tươi ngon lắm. Mọi thứ mẹ thích đều có. Mẹ nhớ sát trùng tay sau khi mở túi nha.
Chúng tôi nhìn nhau, thật xa xôi nhưng cũng thật gần gũi.
- Khứu giác của con sao rồi? 
(tôi hỏi).
- Còn tệ lắm. Con chỉ phân biệt được vị chua và vị ngọt, dù các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus và có cả kháng thể. Khó chịu nhất là không có cảm giác mùi của mình. Ở chỗ làm con hỏi: “Các bạn ơi, quần áo tớ có bốc mùi không?”. Họ nói: “Tốt nhất là cậu đi thay đồ đi”. Bù lại, con lại ngửi được mùi phân, thứ mùi giúp ích cho con trong công việc (cười). Nhưng bây giờ con cảm nhận được mùi nước hoa, mùi trái cây tươi. Mới hôm qua thôi, con ăn thịt viên ở nhà ăn mà muốn ói vì cảm nhận một thứ mùi quá khó chịu. May quá, mũi con bắt đầu có cảm giác trở lại!

Mẹ yêu, mẹ đừng khóc! 

- Các bạn con ra sao? (tôi lại hỏi)
- Cả đội cũ đã bị mắc Covid-19 và rời đi. Bây giờ bọn con trở thành người có kinh nghiệm nhất và phải đào tạo người mới. Con còn học được cách đưa mũi tiêm vào động mạch, một thủ thuật mà bác sĩ phẫu thuật cũng thấy tự hào. Mẹ à, nặng nề nhất là khi đọc những tờ nhắn của bệnh nhân nối máy thở. Họ nguệch ngoạc viết trên giấy: “Tôi không muốn sống nữa”, “Hãy dẹp mấy cái ống này, để tôi chết thanh thản”. Mà mẹ có biết hồi sức là gì không? Là một đống cảm biến nối với bệnh nhân. Có nhiều người tự tay giật các ống ra khỏi cuống họng. Họ khó chịu. Bọn con phải chạy bổ đến, nối lại, làm lại từ đầu. Hôm qua có một bà cai được máy, bọn con vui quá là vui!
Tôi chỉ nhìn thấy cặp mắt con gái bên trên cái khẩu trang. Nó có vẻ mệt mỏi và không ngờ nó lại lớn lên trông thấy.
- Đồng nghiệp chở con tới trên xe cứu thương, trên phố giờ toàn xe cấp cứu mẹ à. Ai nghĩ được có ngày mẹ con mình không thể ôm hôn nhau được... 
- Hợp đồng lao động của con là dài hạn? (tôi hỏi) 
- Không thời hạn cho đến ngày thắng lợi cuối cùng (Sonia nói với vẻ ngạc nhiên). Mà khoa tim mạch của con cũng đang tạm đóng cửa vì Covid-19. Mẹ yêu, mẹ đừng khóc. Chúng ta sẽ chiến thắng! 

Tin cùng chuyên mục