Chúng ta nhiều đồ đạc quá

Mấy năm trước, gia đình chúng tôi chuyển nhà. Mọi vật dụng đều được chất vào thùng giấy, dán kín lại, bên ngoài ghi rõ thứ bên trong là gì. Rồi quăng lên xe tải, vận chuyển qua chỗ ở mới.
Chúng ta nhiều đồ đạc quá

Nghe thì đơn giản, nhưng với một gia đình căn bản gồm hai vợ chồng và hai đứa trẻ con, sống ở một thành phố công nghiệp, thì “dời nhà” là khái niệm khá kinh khủng. Vừa mất thời gian, vừa mệt mỏi, vất vả đủ điều.

Nên trong những ngày xáo trộn ấy, tôi ngồi nhìn mớ thùng giấy chất như núi ở tầng trệt mà ngao ngán. Hình dung ra đoạn mở từng thùng ra, dọn cất vào tủ áo, tủ chén, tủ lạnh, tủ bếp… mà hãi. Giải pháp tạm thời là chỉ khui vài thùng cần thiết trước cho đỡ rối. Quần áo mỗi người vài bộ, ly chén tối thiểu, khăn gối gì cũng vậy. Tự nhủ là những thứ không phải nhu yếu phẩm hàng ngày thì từ từ rảnh rỗi mới ngó tới được. Thế nhưng, lần lữa mãi cũng hơn tháng, cả nhà tôi vẫn… sống khỏe với số vật dụng giới hạn ấy. Không thấy thiếu thốn khổ sở gì cho lắm. Thậm chí còn nhẹ nhõm thoải mái là đằng khác. 

Tôi chợt nhớ hôm bà ngoại mất. Ngồi soạn đồ của bà đựng trong vài ba cái bịch xốp, đợi chút nữa bỏ vào áo quan, xui khiến chi tôi chợt nhớ tới mấy cái tủ rộng thước tám của mình. Ngập tràn trong đó là váy vủng, quần trong áo ngoài, túi lớn giỏ nhỏ mà lắm khi tôi còn chưa kịp mở ra xem, hoặc khó mà nhớ hết, mình đã mua chúng ở đâu. Khoảnh khắc đó, tôi giật mình với ý nghĩ: nhiều đồ đạc như thế, lỡ mình có gì thì… chèn hòm bao nhiêu cho hết cơ chứ!

Đấy cũng là giai đoạn tôi nghiêm túc nghĩ tới hai chữ “tối giản”. Chắc nhiều người trong chúng ta không xa lạ gì với khái niệm “Lối sống tối giản của người Nhật”. Trong đó, tất nhiên cũng có chút cực đoan. Kiểu như hình ảnh cứ chuyển hết qua file, cất trong thẻ nhớ cho gọn. Việc gì phải chụp ảnh rồi in ra, lộng kiếng treo lên hay xếp vào mấy cuốn album cho chật chỗ. Hay quần áo chỉ cần mấy bộ, hai màu trung tính tối - sáng là đủ. Nhưng bỏ qua những điều quá mức ấy, thì tối giản thật sự là một lựa chọn không tệ. 

Tôi có cô bạn, thậm chí cả nữ trang bằng vàng cũng còn không đếm xuể là có những gì trong “bộ sưu tập” riêng, mà hễ cứ thích là cô ấy mua thêm, kiểu ham muốn chứ ít dùng tới. Mà đừng tưởng chỉ phụ nữ, ngay cả nam giới cũng hay có thói quen cất giữ để làm kỷ niệm. Bọn trẻ con thì cả thèm chóng chán, đồ chơi, banh bóng, gấu bông được thải ra liên tục. Chưa kể trang phục thì mau chật, mau hết mốt.

Bây giờ, tôi dạy con tôi về giản dị. Về mai này chúng ta có quá chừng món không cần thiết. Mang vác, cất trữ, để dành, ham vui… đều cần tiết chế lại. Giống như một chuyến du lịch hay một ngày đi làm, ta nào cần gì nhiều. Giai đoạn nhà mình sống với vài ba cái thùng giấy mở vội, vẫn đủ đầy, yên ổn đó thôi. Ta có không gian để thở, để lăn lê bò toài trên cái sàn trống trải và sạch sẽ, không bị vướng víu, ken đầy những thứ mà đôi khi người ta sắm về chỉ để thỏa mãn cái tôi sở hữu. Hoặc là để thiên hạ biết rằng mình có thể làm chủ chừng ấy chai lọ nước sơn móng tay, một một nửa tiệm giày dép, quần áo, chẳng hạn. 

Khi bạn muốn đi đường dài, đi xa đi vui, nhất định bạn đừng… ham hố quá nhiều trong hành trình của mình. Mang vác hành lý nặng nề, tha theo quá nhiều thứ lỉnh kỉnh, mất nhiều tâm trí để lựa chọn, bạn sẽ thấy đời ngắn lại, lãng phí vô cùng. Chẳng phải thế sao?

Tin cùng chuyên mục