Chúng ta không vô can

Một trong những tương tác đáng kể trên mạng xã hội, chính là hình thức kết nối giữa người hâm mộ và thần tượng. Cũng từ đây, nhận thức một bộ phận giới trẻ bắt đầu “có vấn đề” khi tôn sùng quá mức với thần tượng, mà có phần dễ dãi bỏ qua những yếu tố nhạy cảm ẩn mình trong sản phẩm giải trí.
Các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài giúp người trẻ có thêm vốn sống, thay vì đắm chìm trong mạng xã hội
Các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài giúp người trẻ có thêm vốn sống, thay vì đắm chìm trong mạng xã hội

Dễ dãi

Mạng xã hội xôn xao câu chuyện một nam diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc đối mặt với “lệnh phong sát” khi liên tiếp vướng những lùm xùm trong quan hệ tình cảm. Trên các diễn đàn trực tuyến, giới trẻ cũng đặt ra câu hỏi đủ để tranh luận theo trào lưu và cũng đủ để nhìn nhận lại vấn đề lệch lạc về thần tượng hiện nay: “Làng giải trí trong nước liệu có nên áp dụng “phong sát” để hoạt động giải trí chỉn chu hơn?”.

“Phong sát” được hiểu là một lệnh cấm hoạt động triệt để dành cho những nhân vật có ảnh hưởng đến công chúng, chẳng hạn như diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ… khi có những lùm xùm, cáo buộc liên quan đến đời sống cá nhân và hoạt động nghệ thuật. Đây có thể coi như là dấu chấm hết cho sự nghiệp, người bị “phong sát” sẽ không được tham gia bất cứ hoạt động nghệ thuật nào nữa.

Tuy nhiên, câu chuyện xứ người và xứ ta vẫn còn cách nhau rất xa. “Phong sát” cũng không thể cao hơn khán giả, bởi làm nghệ thuật, sản phẩm giải trí mà không có công chúng thì làm cho ai thưởng thức? Gần nhất là màn trở lại của nữ ca sĩ 9X H.H. sau 6 tháng tạm dừng ca hát vì bê bối tình cảm. Hay nữ diễn viên 8X P.O. mỗi bài viết, hình ảnh trên trang cá nhân vẫn thu hút vài chục ngàn lượt thích và bình luận, mặc dù cô đang vướng lùm xùm tình cảm… 

Đúng hay sai, người trong cuộc sẽ rõ nhất, nhưng có thể thấy một lượng lớn người trẻ dường như vẫn rất dễ tha thứ, mà nói một cách đáng buồn là dễ dãi khi chọn thần tượng cho mình. Thậm chí, một số người nổi tiếng có ê kíp truyền thông riêng, xây dựng cộng đồng người hâm mộ trên mạng xã hội thu hút vài triệu tài khoản người trẻ tham gia, sẵn sàng đánh “bay màu” tài khoản những ai chê thần tượng của mình.

Trong xu thế bùng nổ của mạng xã hội, khái niệm thần tượng cũng khác xa với nghĩa của nó trong từ điển toàn dân. Chỉ cần sở hữu nhiều lượt theo dõi, lượt thích, nghiễm nhiên bạn trở thành người nổi tiếng, tham dự sự kiện, quảng cáo sản phẩm và chốt đơn bán hàng trực tuyến liên tục, mặc kệ chất lượng sản phẩm có an toàn hay không… Cuộc đua kiếm tiền từ mạng xã hội gần như bất chấp mọi thứ, kể cả tiêu chuẩn cộng đồng của các nền tảng trực tuyến, bởi tài khoản này bị khóa cũng dễ dàng lập tài khoản mới.

Bộ lọc cá nhân

Giới truyền thông phân tích, mạng xã hội vận hành liên tục bằng thông tin, hình ảnh và video, vì thế mà mỗi vấn đề, sự việc từ đây cũng có rất nhiều thông tin trái chiều, từ bên lề đến chính thống. Và phần lớn, người trẻ dùng mạng xã hội vẫn dễ nhầm lẫn giữa việc đông lượt thích, nhiều người theo dõi thì hẳn là thông tin giá trị. Suy nghĩ này hoàn toàn sai, mỗi bài viết trên trang cá nhân dù triệu lượt xem cũng chỉ là tiếng nói và góc nhìn cá nhân, không thể thay cho pháp luật, hay cơ quan hành pháp.

Siết chặt tiêu chuẩn cộng đồng của mạng xã hội, đặt ra chế tài xử phạt là biện pháp để môi trường mạng văn minh hơn. Nhưng hiệu quả hơn hết chính là bộ lọc cá nhân mỗi người, nhất là người trẻ hiện nay. Trung tuần tháng 8 vừa qua, bộ phim Băng vũ hỏa bị phát hiện có hình ảnh đường lưỡi bò, mặc dù bị làm mờ, nhưng người xem vẫn nhận ra. Tuy nhiên, tập phát sóng mới nhất của phim này trên kênh YouTube của đơn vị phát hành ở Việt Nam, vẫn thu hút hơn 13.000 lượt xem. Những bình luận tẩy chay phim có đường lưỡi bò được các tài khoản trẻ đáp trả: “Coi phim, coi diễn xuất của diễn viên thôi, ai kêu coi đường lưỡi bò” (tài khoản T.H.); “Diễn xuất hay, dàn diễn viên đẹp, phim ảnh thì liên quan gì đường lưỡi bò” (tài khoản P.K.)…

Có thể thấy, chúng ta không hoàn toàn vô can khi “rác” trên mạng xã hội vẫn ngang nhiên tồn tại. Dù bất cứ lý do gì, một lượt xem, lượt chia sẻ trên nền tảng trực tiếp đều làm cho những sản phẩm không lành mạnh thêm một bước tiến xa.

Người trẻ cần đặt cho mình một “tiêu chuẩn thần tượng” và một bộ lọc cá nhân trong thế giới đa chiều của mạng xã hội. Bởi những tác động trực tiếp vào đời sống tinh thần, nếu sai lệch sẽ để lại hậu quả như “mưa dầm thấm lâu”. Trước mắt, khi luật chưa “với” tới những nền tảng mạng xã hội, hay nền tảng giải trí trực tuyến có yếu tố nước ngoài, thì “bộ lọc” khi tiếp cận sản phẩm văn hóa - giải trí - nghệ thuật và tiêu chuẩn sàng lọc thần tượng, chính là cách để bảo vệ mình.

Giảng viên Nguyễn Văn Tường (Khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) chia sẻ: “Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao bị phụ thuộc và ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội. Do đó, nếu cấm đoán trẻ không được sử dụng mạng xã hội, có thể đánh mất một cơ hội học tập và phát triển của trẻ, nhưng nếu để trẻ sử dụng mạng xã hội, cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết. Hiện nay, một số nhà cung cấp dịch vụ mạng internet và mạng xã hội đã có chức năng kiểm soát đối với người dùng là trẻ em, cha mẹ nên tham khảo để cài đặt”.

Tin cùng chuyên mục