Chung sức thi đua đẩy lùi dịch Covid-19

Ngày 5-4, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2021 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2022.

Tham dự, về phía Trung ương có đồng chí Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Thi đua sôi nổi ở từng địa phương, đơn vị

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Ngô Thị Hoàng Các thông tin, năm 2021, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhưng TPHCM vẫn đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép. Trong đó, TPHCM thực hiện hiệu quả những phong trào thi đua năm qua như: Chung sức xây dựng nông thôn mới; Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển. Cùng với đó là các phong trào thi đua như: Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở; Lao động giỏi, lao động sáng tạo; Cải cách hành chính…

Chung sức thi đua đẩy lùi dịch Covid-19 ảnh 1 Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Ngô Thị Hoàng Các phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

TPHCM cũng tập trung triển khai các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, nhất là thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19”; “Thi đua 90 ngày phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trên địa bàn TP”…

Các phong trào thi đua được tổ chức triển khai nghiêm túc, tạo không khí thi đua sôi nổi ở các cấp, các ngành, mang lại nhiều kết quả tích cực như TPHCM thu hút được 7,23 tỷ USD tổng vốn đầu tư (tăng 38,48% so với cùng kỳ năm 2020).

Chung sức thi đua đẩy lùi dịch Covid-19 ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng đại biểu tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, cả hệ thống chính trị và nhân dân TPHCM quyết tâm, đồng lòng chung sức thi đua phòng chống dịch hiệu quả. TPHCM đã trở lại trạng thái “bình thường mới”. Đến nay, TPHCM đã cơ bản hoàn thành việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên và đang khẩn trương tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định.

TPHCM cũng xây dựng kế hoạch tái cấu trúc các bệnh viện, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Công tác an sinh xã hội cho người dân được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện với phương châm “Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”. Quỹ phòng chống dịch của TPHCM đã tiếp nhận tổng số tiền và hàng hoá trị giá hơn 4.073 tỷ đồng…

Chủ động, linh hoạt chăm lo đời sống người dân

Tại hội nghị, nhiều địa phương, đơn vị điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước có những chia sẻ về các giải pháp của đơn vị.

Chung sức thi đua đẩy lùi dịch Covid-19 ảnh 3 Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, năm 2021 trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM có kế hoạch, văn bản hướng dẫn cả hệ thống dân vận của thành phố thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp trong công tác dân vận tại các khu cách ly, khu phong tỏa, tăng cường và củng cố hoạt động tổ Covid cộng đồng, tổ tự quản. Đặc biệt phong trào thi đua yêu nước của cấp ủy các cấp đã huy động đảng viên, cán bộ, công chức thật sự gần dân, sát dân, học dân, bàn bạc với dân, cùng làm với dân, từ đó lôi cuốn được đông đảo quần chúng tham gia.

Ngành y tế TPHCM cũng đã triển khai nhiều giải pháp như bao phủ vaccine phòng Covid-19 đến từng người dân trên đại bàn TP; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại các bệnh viện…
Chung sức thi đua đẩy lùi dịch Covid-19 ảnh 4 TS. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
TS. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, ngành y tế TP đã thực hiện phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, không bỏ sót bất kỳ ai, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ, để thuyết phục động viên những người chưa tiêm thì tiêm, người chưa tiêm đủ mũi thì tiêm bổ sung. Tính đến đầu tháng 3-2022, TPHCM đã tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine cho người dân.
Chung sức thi đua đẩy lùi dịch Covid-19 ảnh 5 Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT cũng cho biết, Sở đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là cổng thông tin 1022 để ghi nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân. Trong thời gian ngắn đã mở 10 nhánh, hoạt động tiếp nhận ở 14 lĩnh vực. Tổng số cuộc gọi đến tổng đài từ tháng 4 đến ngày 29-10 khoảng hơn 2,1 triệu cuộc. Thời gian cao điểm lên đến 110.000 cuộc gọi/ngày. Sở phải huy động gần 300 tổng đài viên tiếp nhận và xử lý cuộc gọi của người dân. Nhờ đó, nhiều vấn đề bức bách của người dân được kịp thời giải quyết.

Bên cạnh đó, chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” thông qua facebook, youtube, tiktok, website của Trung tâm báo chí TP cũng đạt hiệu quả hơn mong đợi. Thông qua đó, lần đầu tiên, lãnh đạo cơ quan nhà nước thực hiện đối thoại trực tiếp với người dân trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng xảy ra tại TPHCM.

Chung sức thi đua đẩy lùi dịch Covid-19 ảnh 6 Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 6, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thanh Bình, quận 6 có diện tích nhỏ, 9 chợ truyền thống và nhiều nhà trọ, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ liền kề nhau nên dễ lây lan dịch bệnh. Trước tính hình ấy, quận chủ động triển khai công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp đông tây y kết hợp nhằm tăng sức đề kháng cho người dân, nhất là F0 đang cách ly điều trị tại nhà.

Bên cạnh đó, quận cũng đẩy mạnh xét nghiệm các nhóm có nguy cơ cao, tổ chức tiêm vaccine một cách quyết liệt, nhất là nhóm có nguy cơ cao; chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly cho các tình huống số F0 tăng cao. Để huy động nguồn lực trong dân, quận đã chủ động vận động các khách sạn để làm điểm cách ly, vận động chủ biệt thự bố trí nơi nghỉ ngơi cho lực lượng y tế về địa phương… Chính sự linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo quận đã có sự điều hành hiệu quả, từ đó đưa quận từ địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất TP trở thành vùng xanh trên bản đồ Covid-19 của TP.

Đồng lòng vượt qua gian khó



Chia sẻ với các đại biểu tham dự hội nghị, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM nhớ lại thời gian TPHCM căng mình chống dịch với những khó khăn chưa từng có. Với bà Kim Chi, mọi việc như mới xảy ra và làm đảo lộn mọi dự định, kế hoạch. Dù vậy, bà Kim Chi nhấn mạnh, chính sự đồng lòng, thống nhất cao, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm TPHCM đã chủ động chuẩn bị mọi giải pháp, đoàn kết lại, tìm tòi, sáng tạo, với quyết tâm bằng mọi cách phải phục vụ được nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho người dân TPHCM.

“Chúng tôi nỗ lực, quyết tâm thực hiện chỉ đạo của TP không để đứt gãy chuỗi sản xuất, không được tăng giá sản phẩm. Thật sự, thời điểm bình thường để bình ổn giá rất dễ, nhưng thời điểm đó rất khó. Mọi nguyên liệu đầu vào, nhân công… đều rất thiếu nhưng chúng tôi đã đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành. Nếu trước đây, vào thời điểm bình thường, chúng tôi phải tính toán hiệu quả kinh tế cho DN, thì lúc dịch bệnh xảy ra, chúng tôi không tính toán gì hết. Chỉ nghĩ phải làm sao có đủ thực phẩm thiết yếu cung cấp cho người dân”, bà Kim Chi trải lòng. 

Điều đọng lại sâu sắc nhất trong hành trình chống dịch vừa qua đối với bà Kim Chi chính là hình ảnh lãnh đạo TP lao vào tâm dịch, vừa lo cho người dân, vừa lo cho DN.
“Tất cả điều đó cho thấy sự đoàn kết, yêu thương nhau đã lan toả. Theo tôi, chính những cái nắm tay thật chặt đó đã giúp TPHCM vượt qua gian nguy, đến với giai đoạn bình thường mới như hiện nay”, bà Kim Chi xúc động. 
Đến với hội nghị trong màu áo xanh quen thuộc của chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM nhắc nhớ những việc làm ý nghĩa mà các chiến sĩ quân đội đã làm giúp người dân trong thời điểm đỉnh dịch. Nhất là công tác đảm nhận nhiệm vụ lo hậu sự cho người mất vì Covid-19.
Đại tá Lê Xuân Thế, chia sẻ: Giai đoạn đầu khi chưa áp dụng công nghệ, rất nhiều người dân hỏi thông tin về người thân của mình. Ban đầu phải tiếp nhận và trả lời qua điện thoại, về sau khi áp dụng công nghệ thì người dân chỉ việc lên mạng tra cứu thông tin là biết người thân của mình đang ở đâu, đã được hoả táng hay chưa.
Chung sức thi đua đẩy lùi dịch Covid-19 ảnh 7 Chiến sĩ Lữ Đoàn tăng thiết giáp 26 cùng phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 sơ chế rau trước khi đem đi hỗ trợ người dân trong đợt cao điểm dịch Covid-19 tại TPHCM tháng 8-2021 . Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Khi ấy lực lượng quân đội của TP đã tham gia rất nhiều phần việc. Nhiều chiến sĩ còn rất trẻ, mới bước vào môi trường quân đội, nhưng khi nhận nhiệm vụ, bằng “tình cảm – trách nhiệm – chu đáo” các đồng chí đã thực hiện chu đáo từ khâu tiếp nhận, bảo quản, khâm liệm theo phong tục. Hàng ngày chúng tôi đốt nhang, cúng cơm như người thân của họ. Bởi chúng tôi hiểu, những người mất vì Covid-19 đã thiệt thòi rất nhiều khi không có người thân bên cạnh”, Đại tá Lê Xuân Thế tâm sự.

Tin cùng chuyên mục