Chung sức cùng miền Trung chống dịch

Những ngày qua, khi số ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam tăng lên từng ngày, nhiều tổ chức, cá nhân, hệ thống y tế… trên cả nước đang dồn sức về miền Trung để hỗ trợ công tác dập dịch. Việc đảm bảo nguồn hàng thiết yếu cho những tổ chức, cá nhân và người dân các tỉnh miền Trung là hết sức cấp thiết.
Nhân viên Co.opmart Đà Nẵng chuẩn bị hàng hóa tiếp tế cho các khu cách ly
Nhân viên Co.opmart Đà Nẵng chuẩn bị hàng hóa tiếp tế cho các khu cách ly

Doanh nghiệp đẩy mạnh hỗ trợ dập dịch

Ghi nhận thực tế tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, gần 200 nhân sự của siêu thị đang căng mình vừa lo bán hàng tại siêu thị, vừa lo tiếp tế khẩn cấp cho các bệnh viện tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Theo ông Phan Thống, Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng, hiện đơn vị đang phải nỗ lực hết sức để vừa phục vụ tốt cho người dân đến siêu thị mua sắm, vừa phải chung tay cùng các cơ quan ban ngành Đà Nẵng tiếp ứng kịp thời các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cho các điểm nóng của khu vực. Nhờ công tác hậu cần, danh mục hàng hóa và các phương án vận chuyển hiệu quả nên hầu hết việc cung ứng, nhập kho hàng hóa cho đến thời điểm này đều đúng kế hoạch.

Cụ thể, nhiều hàng hóa thiết yếu đã được Co.opmart vận chuyển đến các điểm nóng hàng đầu hiện nay, gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 199 và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đà Nẵng.

Lượng hàng hóa này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh các cơ quan y tế tập trung cách ly để đảm bảo an toàn xã hội, gặp nhiều khó khăn trong công tác hậu cần cho bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ. Một nhân viên tham gia giao hàng của Co.opmart đến các bệnh viện tại Đà Nẵng cho biết: “Tụi em được trang bị kỹ khi giao hàng nên cũng yên tâm.

Mấy bạn soạn hàng, bán hàng, thu ngân ở siêu thị còn cực hơn, có bạn đã phải làm việc từ 3 giờ sáng. Tụi em thấy mình còn may mắn khi còn đang được làm việc, hơn nữa là những việc có ý nghĩa cho cộng đồng nên lúc nào cũng thấy hăng hái”. Khi được hỏi có bị tâm lý hoang mang lo lắng không, anh nhân viên cho biết, cũng có đôi chút, nhưng không cảm thấy căng thẳng như đợt dịch trước.

Cùng với Co.opmart Đà Nẵng, nhiều DN ở khắp nơi trên cả nước đã có những hoạt động thiết thực như tiếp tế thực phẩm, hỗ trợ cước điện thoại… cho các bệnh viện tại Đà Nẵng. Chẳng hạn, Công ty La Vie hỗ trợ hơn 100.000 lít nước khoáng La Vie - trị giá hơn 600 triệu đồng cho các bệnh viện bị phong tỏa cùng các cơ sở y tế trực tiếp tham gia chống dịch tại Đà Nẵng đang có nhu cầu lớn về nhu yếu phẩm, đồ bảo hộ, khẩu trang y tế. Hay Pizza 4P’s đã chuẩn bị hơn 500 phần ăn cho các bác sĩ, y tá và nhân viên tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Đà Nẵng.

Trước đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã hỗ trợ 170.000 sản phẩm cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong ngày 31-7, những chuyến xe đầu tiên của Vinamilk đã chở các sản phẩm đến nơi tiếp nhận để kịp thời tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân, người dân… trong các khu vực cách ly, trong đó có 3 bệnh viện trọng yếu của TP Đà Nẵng là Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Đây đều là những bệnh viện lớn của thành phố, đang tiếp nhận điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân trong điều kiện cách ly khó khăn, rủi ro lây nhiễm cao.

Bà Trần Thị Mỹ Bình, Giám đốc Chi nhánh Vinamilk tại Đà Nẵng, chia sẻ: “Tại Đà Nẵng, Vinamilk hiện có 2 đơn vị thành viên là Chi nhánh Đà Nẵng và Nhà máy Sữa Đà Nẵng. Các cán bộ, công nhân viên của Vinamilk tại đây cũng đang thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực để đảm bảo đưa các sản phẩm dinh dưỡng đến tay người dân đầy đủ, nhất là những khu vực cách ly trong thời điểm khó khăn này”.

Cũng theo Vinamilk, trong giai đoạn chống dịch lần trước đã luôn đồng hành cùng các chương trình của Chính phủ, liên tiếp hỗ trợ các sản phẩm dinh dưỡng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch của Trung ương, TP Hà Nội, TPHCM hay hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn cách ly. Hơn 30 tỷ đồng đã được DN đóng góp thông qua các hoạt động tiếp sức tuyến đầu và hỗ trợ cộng đồng với thông điệp chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Ngăn chặn nạn làm giá khẩu trang

Không dừng lại đó, với vai trò là nhà phân phối bán lẻ lớn nhất Việt Nam, mới đây ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đã xuất kho tung ra thị trường hơn 12 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn đạt chuẩn để bán không tăng giá. Giá bán trung bình 22.000 đồng/túi 3 cái, tương đương khoảng 7.000 đồng/khẩu trang. Đồng thời, hệ thống này cũng đã đưa lên kệ hơn 100.000 chai nước rửa tay, gel rửa tay khô giá không đổi và tổ chức giảm giá hàng hóa thiết yếu liên tục để hỗ trợ người dân. Thống kê cho thấy, siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đang tiêu thụ trung bình khoảng 90.000 khẩu trang/ngày. Riêng hệ thống chuỗi Co.opSmile và FineLife tiêu thụ hơn 12.000 khẩu trang/ngày.

Hiện trên thị trường những ngày qua đang loạn giá khẩu trang. Khảo sát một vòng, giá khẩu trang tại các của hàng và các sàn thương mại điện tử cho thấy, giá khẩu trang các loại đã tăng chóng mặt, giá ít nhất đã đội lên gấp hai lần so với cách đây chỉ 2 tuần. Nếu một hộp khẩu trang y tế 50 cái loại 4 lớp, trước đây dao động quanh mức từ 70.000 đến 129.000 đồng thì nay đã tăng lên từ 130.000 đến 180.000 đồng, thậm chí có nơi bán lên đến gần 230.000 đồng/hộp. Đồng thời, lợi dụng tâm lý lo lắng trước diễn biến của dịch, rất nhiều loại khẩu trang chưa rõ nguồn gốc cũng được len lỏi đưa ra thị trường.

Nhiều tiểu thương nắm bắt tâm lý của người dân, nếu chưa mua được khẩu trang y tế sẽ chọn mua khẩu trang vải, nên mặt hàng này cũng đồng loạt nâng giá. Nếu trước đây giá bán từ 7.000 đồng - 8.000 đồng/cái loại kháng khuẩn thì nay bị nâng giá lên gấp 3 - 4 lần, gần 30.000 đồng/cái, khẩu trang vải thường không kháng khuẩn tăng giá bán từ 3.000 đồng - 4.000 đồng/cái lên tới gần 12.000 đồng/cái.

Cũng theo ông Đức, ngoài việc hỗ trợ bình ổn giá khẩu trang trên thị trường, Saigon Co.op đã có phương án tăng trữ lượng hàng thiết yếu cùng các mặt hàng cần thiết chống dịch và sẵn sàng can thiệp bình ổn thị trường bằng tất cả khả năng của hệ thống, thể hiện trách nhiệm cộng đồng đúng với bản chất hợp tác xã, không bao giờ để người tiêu dùng phải chịu áp lực chi tiêu một cách đơn độc.

Có thể nói, những chương trình hỗ trợ đặc biệt hướng về các tỉnh miền Trung của các DN phần nào giúp cho những người tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, những người đã đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân vững tâm hơn, an toàn hơn. Sự vững vàng của họ chính là tấm lá chắn vững chắc nhất cho sự an toàn sức khỏe của cả cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục