Chung sức bảo tồn “báu vật xanh”

Khi tiếng “kêu cứu” phát ra từ chính những người đang làm công tác bảo tồn và phát triển tại Thảo cầm viên Sài Gòn thì nhiều người trong chúng ta mới giật mình về một báu vật xanh vô cùng ý nghĩa ngay trong lòng TPHCM.

Nhân viên chăm sóc thú cho voi ăn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nhân viên chăm sóc thú cho voi ăn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Điểm đến của nhiều thế hệ

“Con voi nè con! Con thấy chưa?”, “Con voi to quá ba ơi! Nó đang ăn kìa”, tiếng bé Bảo Nam (hơn 3 tuổi) ríu rít cả một góc Sở Thú, nơi người ta vẫn thường quen gọi thay cho Thảo cầm viên Sài Gòn. Anh Nguyễn Lê Trọng Nghĩa (34 tuổi, ngụ quận Bình Tân), ba bé Nam, cho biết một thời gian khá lâu mới đưa vợ con vào đây, phần vì công việc bận rộn, phần lo lắng dịch bệnh.

“Bây giờ con nít ở nhà cứ dán mắt vào điện thoại. Ai cũng sợ con đi lung tung phá phách, cũng không có thời gian chăm nữa nên cứ đưa điện thoại để bé ngồi yên. Riết rồi thành thói quen. Do vậy khi tình hình dịch được kiểm soát, tôi đưa con vào đây cho nó có tuổi thơ, được tiếp xúc với mảng xanh nhiều hơn và thấy những con thú thực tế trước giờ chỉ xem trên điện thoại, tivi, tranh ảnh”, anh Nghĩa nói. 

Đối với nhiều người dân TPHCM, kể cả những người xa quê đến đây lập nghiệp, hay chỉ là khách phương xa có dịp ghé thăm thành phố, Thảo cầm viên vốn là một phần ký ức không thể quên bởi đây là một trong những điểm đến quen thuộc hàng đầu. Thảo cầm viên cứ thế 156 năm qua nằm lại trong ký ức nhiều người. 

Anh Trần Việt Hoàng (35 tuổi, ngụ quận 1) kể: “Hồi xưa tui học Trường THCS Võ Trường Toản gần Sở Thú. Cứ sau giờ học hay cuối tuần là ghé Sở Thú chơi vui không thể tả. Tuổi thơ của đám học trò tụi tui ở trong đó với đủ thứ trò chơi không biết chán. Có khi lớp tổ chức picnic, các hoạt động ngoài trời, nghiên cứu sinh học lại kéo nhau vào đó. Bẵng đi thời gian, mới đây nghe thông tin báo đài nói về việc Sở Thú đang cầu cứu vì khó khăn, tui mới giật mình, chẳng nhớ nổi bao năm rồi chưa ghé lại chốn quá đỗi thân quen này”.

Phân công các nhân viên cho thú ăn xong, anh Mai Khắc Trung Trực (39 tuổi), Giám đốc Xí nghiệp Quản lý động vật tại Thảo cầm viên Sài Gòn, kể hồi còn nhỏ anh từng là “khách ruột” của nơi này. “Trong 4 năm cấp 2 tôi học trường đối diện Sở Thú và những năm cấp 3 cứ hễ rảnh là tôi vào đây chơi… Hồi nhỏ xíu nữa thì ba mẹ dẫn đi. Kỷ niệm có nhớ có quên nhưng tôi mê động vật đến nỗi sau này đi học, ra trường cũng xin vào đây làm. Mới đó mà gần 10 năm gắn bó”, anh kể lại.

Công việc của anh Trực thường ngày xoay quanh chuyện ăn uống của thú, phân công lao động chăm sóc thú, kiểm tra giám sát chuồng trại… Theo anh, trong thời gian dịch bệnh, những thói quen sinh hoạt thường ngày của thú cũng có xáo trộn chút đỉnh, tuy nhiên chúng vẫn được ăn uống khẩu phần đúng tiêu chuẩn. Ví dụ 6 con voi, 1 con sẽ ăn đúng 100kg cỏ, uống 50 lít nước mỗi ngày và chưa kể các loại thức ăn khác như củ, quả. Còn như cọp, phải đảm bảo khẩu phần ăn 5kg thịt/con mỗi ngày. Ở đây có 8 cọp, 3 sư tử, đàn thú ăn cỏ chừng 400-500 con. 

Anh tâm sự: “Chúng tôi chăm sóc thú là làm việc chuyên môn, cũng đỡ khổ vì không phải suy nghĩ nhiều tới vấn đề tài chính. Còn các anh trên ban giám đốc, các bộ phận chịu trách nhiệm về tài chính căng thẳng nhiều hơn. Nói thiệt chứ nếu như không mê thú chắc không thể gắn bó với việc chăm sóc thú lâu được. Có khi phải làm liên tục 24 giờ, tùy tính chất công việc. Thậm chí nửa đêm nửa hôm, mấy con thú bệnh, hay có vấn đề gì mình phải có mặt chăm sóc”.

"Tính đến nay, Thảo cầm viên Sài Gòn đã 156 tuổi, là một trong số ít sở thú lâu đời nhất thế giới. Đây không chỉ là nơi vui chơi, giải trí của người dân mà còn giữ nhiệm vụ giáo dục, bảo tồn và nghiên cứu các loài động, thực vật quý hiếm. Thảo cầm viên có giá trị xã hội, như một dấu tích lịch sử và là một trong những biểu tượng của thành phố. Việc bảo tồn, phát triển nơi này không phải câu chuyện của riêng ai, mà là của tất cả mọi người" - Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, Ủy viên Hiệp hội Lữ hành Việt Nam

Cần sự chung tay

“Chưa bao giờ có một năm khó khăn đến mức Thảo cầm viên đóng cửa 2 tháng như thế này. Đứng trước nhiều thách thức, chúng tôi vẫn phải đảm bảo đời sống của các con thú, bởi đây là trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp”, ông Phạm Anh Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, chia sẻ. 

Ông Phạm Anh Dũng cho hay, do đơn vị tự chủ về tài chính, nên du khách là nguồn thu chính của nơi này. Dù đã mở cửa trở lại sau ảnh hưởng của dịch nhưng lượng khách tham quan vẫn rất ít, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khiến đơn vị đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã làm đề xuất được hỗ trợ từ UBND TPHCM. Từ tết tới giờ, lượng khách giảm rất mạnh. Hiện tại, ngày thường chỉ chừng hơn 200 khách, thứ bảy và chủ nhật có khả quan hơn. “May mà Thảo cầm viên đóng cửa 2 tháng, chứ nếu đóng thêm thời gian nữa, chúng tôi không đủ sức để chăm lo cho đàn thú, trả lương nhân viên, duy trì bộ máy hoạt động và phải tính tới nhiều phương án”, ông Phạm Anh Dũng nói. 

Theo Hiệp hội Vườn thú thế giới WAZA, khoảng 70%-80% vườn thú trên thế giới đang phải đóng cửa. Dịch Covid-19 xuất phát từ động vật hoang dã nên người ta cũng có tâm lý ngại vào thăm vườn thú. Các vườn thú ở Mỹ, Nhật Bản, Indonesia… đến bây giờ vẫn chưa thể mở cửa. Ảnh hưởng bởi dịch, có vườn thú tư nhân phải dùng đến biện pháp giết một số loài thú ăn cỏ để nuôi những loài thú ăn thịt khác, đồng thời kêu gọi chính phủ hỗ trợ.

“Rất may vườn thú đã mở cửa lại, chúng tôi chưa phải sử dụng các biện pháp khẩn cấp. Chúng tôi có xí nghiệp với diện tích 50ha tại huyện Củ Chi sản xuất cỏ, trồng một số loại trái cây, rau củ phục vụ công tác chăm sóc cho động vật. Tuy nhiên, phần thức ăn bên ngoài cho các động vật ăn thịt lại là vấn đề quan trọng nếu khó khăn kéo dài. Chúng tôi có nguồn dự trữ nhưng có hạn, không kéo dài được lâu”, ông Phạm Anh Dũng nói thêm. 

Đại diện Thảo cầm viên cho biết đang tăng cường tu bổ làm mới các khu vui chơi, trang trí sơn sửa lại cổng ra vào cùng các hạng mục. Phía trung tâm giáo dục của đơn vị sẽ có những chương trình giáo dục tiết học ngoài nhà trường, kết hợp với Sở GD-ĐT TPHCM, nhằm thu hút học sinh, các em nhỏ đến đây. Sắp tới, ở đây sẽ tổ chức những show động vật biểu diễn tập tính, quảng cáo giờ cho thú ăn để khách đến xem. Thảo cầm viên cũng nâng cao chất lượng phục vụ trong các khâu kinh doanh, chăm sóc khách hàng… Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ nỗ lực kết nối với các cơ sở, công ty du lịch để khi có khách đến TPHCM sẽ đưa đến tham quan.

Tin cùng chuyên mục