Chứng khoán thăng hoa

Bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sau khi vượt qua đỉnh lịch sử vào tháng 4-2021, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tháng 5 tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới cả về chỉ số lẫn thanh khoản. TTCK Việt Nam liên tục lập nhiều kỷ lục do thu hút được khoản tiền lớn.
Tài khoản chứng khoán mở mới của cá nhân lại lập kỷ lục trong tháng 5. Ảnh: HUY PHAN
Tài khoản chứng khoán mở mới của cá nhân lại lập kỷ lục trong tháng 5. Ảnh: HUY PHAN

Xác lập nhiều kỷ lục

Đi ngược với quy luật thông thường của TTCK nói chung là “Bán hết cổ phiếu vào tháng 5 và đi chơi” (“Sell in May and go away”), TTCK Việt Nam đã thiết lập nhiều kỷ lục. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 ở mức 1.328,05 điểm, tăng 7,15% so với tháng 4. Toàn bộ 20 phiên giao dịch ở tháng 5 đều có giá trị khớp lệnh trên 20.000 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp lệnh bình quân trên toàn thị trường đạt mức kỷ lục 24.145 tỷ đồng/phiên.

Phiên giao dịch cuối của tháng 5-2021 xác lập kỷ lục về giá trị khớp lệnh toàn thị trường với tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 31.000 tỷ đồng, trong đó, sàn HoSE chiếm gần 24.000 tỷ đồng.

Những phiên giao dịch đầu tháng 6-2021, VN-Index tiếp tục lập các đỉnh mới, thanh khoản thị trường trên TTCK Việt Nam cũng lập đỉnh cao mới. Đỉnh điểm, trong phiên giao dịch ngày 1-6, do dòng tiền đổ vào thị trường quá lớn, lần đầu tiên trong lịch sử sàn HoSE phải tạm ngừng giao dịch phiên chiều vì chỉ trong phiên sáng, giá trị giao dịch vượt 21.700 tỷ đồng - mức cao kỷ lục, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống.

Động lực lớn giúp VN-Index liên tục lập các đỉnh cao mới thời gian qua là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thống kê cho thấy, trong số 26 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên TTCK tháng 5-2021, chỉ mỗi VCB (Vietcombank) giảm 1,4%, 25 cổ phiếu ngân hàng còn lại đều có mức tăng giá trên 18%. Nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu này tăng mạnh được đánh giá đến từ tốc độ tăng trưởng cao của ngành ngân hàng. Năm 2021, mỗi ngân hàng đều tăng vốn, chia cổ tức, bán vốn cho nước ngoài… đã giúp cổ phiếu ngành này thăng hoa. Với sức tăng mạnh mẽ của nhóm “cổ phiếu vua”, trong tốp 30 vốn hóa trên TTCK Việt Nam, 4 vị trí đứng đầu về mức tăng giá đều thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng. 

Nhà đầu tư F0 ngày càng nhiều  

Dịch Covid-19 gây đình trệ sản xuất, lãi suất ngân hàng xuống mức thấp, dòng tiền rẻ đã tìm đến các kênh đầu tư hấp dẫn hơn, trong đó có chứng khoán. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tài khoản chứng khoán mở mới, đặc biệt là tài khoản cá nhân lập kỷ lục.

Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), trong tháng 5-2021, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới là 113.543, tăng 3,2% so với tháng 4. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp cá nhân mở mới trên 100.000 tài khoản và thiết lập kỷ lục mới, vượt qua mức kỷ lục ghi nhận trước đó là 113.191 tài khoản của tháng 3-2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, cá nhân mở mới 479.857 tài khoản chứng khoán, tăng 22% so với cả năm 2020.

Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư cá nhân mới trong nước (F0) đã góp phần giúp VN-Index đang trên đỉnh lịch sử, bất chấp áp lực bán ròng lớn và liên tục của khối ngoại. 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng hơn 24.000 tỷ đồng trên HoSE, bằng tổng lượng bán ròng cả năm 2020 và 2016 (2 năm có lượng bán ròng cao nhất) cộng lại. 

Chỉ trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 6-2021, VN-Index đã tăng hơn 30 điểm, vượt 1.360 điểm sau khi kết thúc phiên sáng 3-6. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giãn cách xã hội, người dân ở nhà lên mạng nhiều hơn và tăng đầu tư, trong đó có chứng khoán. 

Một chuyên gia môi giới chứng khoán lâu năm trong nghề tại Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, những nhà đầu tư nhỏ lẻ mới vào thị trường thường đầu tư theo đám đông, nghe ngóng thông tin bên lề hơn là dựa vào các thông tin liên quan đến chỉ số P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) hoặc đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp để phân tích. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư tham gia vào các diễn đàn trực tuyến, nhóm chat trên mạng để nghe “phím hàng” (bàn luận - PV) rồi mua theo, thậm chí dùng đòn bẩy (vay margin) để mua nên thay vì lỗ một thì lại lỗ gấp đôi, gấp ba và số vốn đầu tư bị “bốc hơi” nhanh chóng.

“Nhiều nhà đầu tư F0 thắng chủ yếu là do may mắn vì thực tế không ít người đầu tư nhỏ lẻ đầu tư chứng khoán kiểu đỏ đen chứ thực sự không có kiến thức gì với thị trường này”- chuyên gia này cho hay.

37.000 tỷ đồng đổ vào thị trường, VN-Index tăng gần 24 điểm

Hơn 37.000 tỷ đồng đổ vào thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 3-6 khiến thị trường bùng nổ, VN-Index lập đỉnh mới, vượt 1.360 điểm. Với dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường khiến hàng loạt cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tăng mạnh kéo VN-Index tăng gần 24 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 23,5 điểm lên 1.364,28 điểm với 339 mã tăng, 75 mã giảm và 47 mã đứng giá.

Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 7,9 điểm lên 329,55 điểm với 154 mã tăng, 71 mã giảm và 60 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường cũng tăng kỷ lục với tổng khối lượng giao dịch đạt 1,24 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức gần 36.800 tỷ đồng, riêng giao dịch khớp lệnh đạt kỷ lục gần 35.000 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh sàn HoSE và HNX cũng lập kỷ lục với 27.740 tỷ đồng và 5.300 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng trên toàn thị trường. 

Giá vàng thế giới tăng trở lại nhưng giá vàng SJC trong nước ngày 3-6 lại tiếp tục giảm. Ghi nhận giá vàng tại TPHCM vào khoảng 16 giờ 30, Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức 56,75 triệu đồng/lượng mua vào và 57,35 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm trước nhưng giảm đến 300.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Cùng thời điểm tại Hà Nội, Tập đoàn Doji báo giá vàng SJC ở mức 56,65 triệu đồng/lượng mua vào và 57,25 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 250.000 đồng/lượng chiều mua và 200.000 đồng/lượng chiều bán.  

Tin cùng chuyên mục