Chuẩn bị nguồn lực trước thách thức “kép”

Hôm nay 22-7, Quốc hội thảo luận về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm.

Bên ngoài nghị trường, theo thông lệ mỗi nửa năm, hàng loạt định chế tài chính, viện nghiên cứu… cũng đưa ra những bình luận và dự báo. Nhìn chung, tâm lý thận trọng bao trùm tất cả dự báo, với mức tăng trưởng dự kiến của 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 đều được điều chỉnh giảm. 

Nguyên nhân lớn nhất, đã được nhận diện rõ, chính là đại dịch Covid-19. Bày tỏ lo ngại về việc triển khai tiêm chủng tương đối chậm và áp dụng các biện pháp giãn cách kéo dài ở các khu vực tăng trưởng lớn nhất nước sẽ ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông thương mại và hạn chế các hoạt động kinh tế trong năm 2021, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng cả năm 2021 của Việt Nam chỉ ở mức 5,8% (giảm rõ rệt so với dự báo 6,7% đưa ra hồi tháng 4).

Chủ trì thẩm tra Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội mà Chính phủ gửi đến kỳ họp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6%-6,5% rõ ràng là thách thức rất lớn, nhất là đợt dịch lần thứ 4 tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế; một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, có dấu hiệu quá tải về nhân lực và thiết bị y tế. Các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vận tải và bán lẻ... Một số khu công nghiệp, nơi tập trung lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Hà Nội, TPHCM… phải tạm dừng hoạt động. Chiến đấu với đại dịch Covid-19 tiếp tục là “mặt trận” cam go nhất trong những tháng cuối năm 2021 và có thể lâu dài hơn.

Bên cạnh những khó khăn do dịch Covid-19, còn phải tính tới những tác động bởi yếu tố thiên tai, thời tiết cực đoan. Năm 2020, Việt Nam thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng - hậu quả của 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL. Theo nhận định của cơ quan khí tượng, các tháng còn lại của năm 2021 có khả năng xuất hiện 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có từ 5 - 7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; đó là chưa tính đến hàng loạt dạng thức thiên tai khó lường khác. Đây chính là “mặt trận” thứ hai cần phải chủ động ứng phó.

Trong rất nhiều công việc phải làm để có thể giành chiến thắng trên cả hai mặt trận này là chuẩn bị nguồn lực, thông qua việc thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; nghiêm túc thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. 

Trong triển khai cụ thể, cần có những giải pháp thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19; triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Song song đó cần rà soát nguồn lực “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; và hậu cần tại chỗ) để chủ động phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.  

Tin cùng chuyên mục