Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Chuẩn bị không kỹ sẽ làm chắp vá

Đó là những ý kiến đóng góp của trưởng phòng GD-ĐT các quận huyện, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên tại hội nghị do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 26-4.
Giáo viên quyết định sự thành bại của chương trình giáo dục phổ thông
Giáo viên quyết định sự thành bại của chương trình giáo dục phổ thông

Quá nhiều băn khoăn

Tuy đánh giá dự thảo chương trình phổ thông tổng thể có nhiều điểm mới tiến bộ hơn so với chương trình hiện hành, nhưng đa số các ý kiến đều băn khoăn về tính khả thi. Theo phân tích của cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, chương trình mới có nhiều ưu điểm, trong đó có thêm nhiều môn học mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, chú trọng phát triển kỹ năng cần thiết cho học sinh. Tuy nhiên, việc thiết kế số môn học ở các cấp quá nhiều và một số môn học có vẻ như mơ hồ, chồng chéo về nội dung, thiếu sự phân định trong chọn môn học ở bậc tiểu học và THCS. “Ở bậc tiểu học, môn học thế giới quanh ta không khác gì mấy so với môn tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội. Còn môn tìm hiểu tin học thì gần giống môn tìm hiểu công nghệ…” - cô Thu Cúc nêu vấn đề. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, quan điểm tách hoạt động trải nghiệm sáng tạo thành một môn riêng biệt sẽ khó thực hiện.  

Ông Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quan ngại: “Chương trình tổng thể hơi rối, chưa phân biệt rạch ròi môn chính khóa, ngoại khóa, chuyên đề giáo dục. Cần tách môn học tự chọn theo nhóm, khối thi và phân hóa môn học, nội dung chương trình ở các cấp học sao cho tránh trùng lắp…”. Nêu ra sự bất cập, mâu thuẫn trong việc tăng tiết lên 30-32 tiết/tuần đối với học sinh tiểu học, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, bức xúc: “Chương trình giáo dục tiểu học biên soạn cho đối tượng học sinh học 2 buổi/ngày nhưng quận Gò Vấp chúng tôi mới có 60% học sinh được học 2 buổi/ngày. Riêng với số học sinh học 1 buổi/ngày dù có cắt nội dung tự học, giáo dục địa phương theo hướng dẫn và phải học cả ngày thứ bảy thì vẫn dư đến 5-6 tiết/tuần. Đó là chưa kể thời lượng tiết học quy định cho từng khối từ lớp 1 đến lớp 5 khác nhau với 30-35 phút và 35-40 phút sẽ khiến giờ ra chơi lệch nhau, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của nhà trường. Như thế làm sao có thể thực hiện yêu cầu của chương trình mới?”. Theo lý giải của ông Thanh, chương trình chưa giảm tải được như mong muốn và bị xem là nặng nề hơn vì số tiết học tăng cao hơn. Ngoài ra còn mâu thuẫn ở chỗ bậc học cao - THPT chỉ phải học số tiết ít (trên 900 tiết/năm), còn bậc tiểu học lại học nhiều hơn (từ 1.100 - 1.184 tiết/năm). 

Lấy đâu giáo viên dạy môn mới?

Xung quanh việc dạy ngoại ngữ (nhất là môn tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 2), các ý kiến cũng nêu thắc mắc về sự khó hiểu khi đưa môn tự chọn duy nhất này vào bậc tiểu học. Không chỉ khẳng định thời lượng dạy ngoại ngữ 3 tiết/tuần là quá ít, không đáp ứng yêu cầu hội nhập giáo dục quốc tế, các nhà quản lý giáo dục cũng nêu rào cản là không tuyển đủ giáo viên dạy tiếng Anh. Ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng GD-ĐT quận 2, than thở: “Dạy ngoại ngữ 1 đã khó nói chi đến dạy ngoại ngữ 2 như dự thảo đưa ra”. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhận định rằng, chương trình chưa chú trọng đến yếu tố hội nhập dù đã quan tâm đến các yếu tố tiên tiến, hiện đại, chuẩn đầu ra của học sinh. Cũng theo ông Hiếu, việc phân bổ số tiết học ngoại ngữ ở bậc trung học chỉ có 3 tiết/tuần như dự thảo thì rất khó thực hiện mục tiêu biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người Việt Nam. 

Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự bất an, trước thực trạng lực lượng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chưa được chuẩn bị kỹ về chuyên môn, kỹ năng sẽ khó bắt nhịp yêu cầu đổi mới chương trình. Cô Thu Cúc bày tỏ: “Trong khi chương trình có nhiều môn học mới, yêu cầu mới nhưng đến giờ này đội ngũ giáo viên chưa được bồi dưỡng, chuẩn bị gì hết. Nếu không đầu tư bài bản cho giáo viên dạy bộ môn mới mà chuyển đổi từ môn này sang dạy môn khác theo kiểu chắp vá thì không ổn”. Tương tự, nhiều ý kiến khác cũng lo ngại rằng giáo viên đang đứng lớp còn chưa hiểu rõ mình phải làm gì để nhập cuộc, nhất là thích ứng với yêu cầu mới - dạy học tích hợp, liên môn, trải nghiệm sáng tạo... Theo ông Huỳnh Tấn Thanh, Giám đốc TTGDTX Chu Văn An, phải có giải pháp đầu tư, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại và tương lai một cách bài bản chứ không thể làm chắp vá, bị động. Hơn nữa, khâu kiểm tra đánh giá học sinh cũng quan trọng nhưng dự thảo chưa chú trọng đổi mới cách làm. Bởi lẽ đánh giá kết quả học trò không chỉ qua điểm số mà còn thể hiện bằng hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, hoạt động nhóm. 

Cho rằng còn thiếu giải pháp đồng bộ, điều kiện chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa thấy hình hài sách giáo khoa mới, thời gian thực hiện cập rập, gấp gáp… hội nghị thẳng thắn kiến nghị: “Đừng lấy học sinh làm vật thí nghiệm. Nên thực hiện theo lộ trình, trước mắt nên làm thí điểm để rút kinh nghiệm”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định TP sẽ biên soạn bộ sách giáo khoa riêng theo chương trình phổ thông mới, nhưng sở không đứng ra làm mà do nhóm các chuyên gia, giáo viên giỏi thực hiện. Sở chỉ góp ý về chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục xúc tiến các thủ tục cần thiết để xuất bản bộ sách này.

Tin cùng chuyên mục