Chưa xem xét việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ​

Đối với việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, hiện nay Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đang được tổng kết để nghiên cứu sửa đổi toàn diện, nên nội dung này sẽ được cân nhắc, xem xét sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tại phiên họp

Sáng nay 10-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi nhằm quy định cụ thể để phân định thẩm quyền giám định pháp y tử thi giữa ngành y tế và ngành công an; mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực có nhu cầu lớn như: giám định ADN, giám định tài liệu, giám định số khung, số máy xe cơ giới…

Thường trực Ủy ban Tư pháp (TTUBTP) và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, theo tổng kết 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp và giám sát của UBTP thì vướng mắc chủ yếu hiện nay trong công tác giám định tư pháp (GĐTP) là hoạt động GĐTP theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông - vận tải, tài nguyên và môi trường...

Tại một số địa phương có vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y tử thi giữa ngành y tế và ngành công an, song nguyên nhân chủ yếu do phối hợp chưa tốt giữa cơ quan điều tra, Trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh. Để khắc phục vướng mắc trên và phát huy hiệu quả đội ngũ nhân lực hiện có của hai ngành, Bộ Công an, Bộ Y tế cần hướng dẫn điều phối phù hợp việc trưng cầu và tiếp nhận giám định.

Đối với việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp (GĐTP), hiện nay Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đang được tổng kết để nghiên cứu sửa đổi toàn diện, nên nội dung này sẽ được cân nhắc, xem xét sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Vì vậy, TTUBTP và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất giữ phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ.

Về thời hạn giám định (Điều 26a), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến ĐBQH tán thành quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị không quy định thời hạn giám định trong dự thảo Luật vì cho rằng vấn đề này phải được quy định đồng bộ trong Bộ luật Tố tụng hình sự. TTUBTP và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, quy định thời hạn GĐTP như dự thảo Luật sẽ khắc phục cơ bản vướng mắc hiện nay.

Cụ thể, dự thảo quy định thời hạn không quá 3 tháng, trường hợp phức tạp không quá 4 tháng đã được cân nhắc trên cơ sở thực tiễn hoạt động GĐTP trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông-vận tải, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ... Thời hạn cụ thể nên giao bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực để quy định cho từng loại việc cụ thể.

Tin cùng chuyên mục