Chưa xác định thời điểm mở cửa giao thương vận tải hành khách trên toàn thế giới

Hiện tại nền kinh tế Việt Nam vẫn mở, xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường, còn mở cửa giao thương vận tải hành khách trên toàn thế giới thì hiện chưa có đủ thông tin để khẳng định thời điểm nào mở cửa, bởi tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn rất phức tạp...

Triển khai 2 Nghị quyết quan trọng của Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm

Sáng 4-1, ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2021, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo.

Theo thông lệ kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bước vào năm mới, Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01 và 02 nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới.

Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chưa xác định thời điểm mở cửa giao thương vận tải hành khách trên toàn thế giới ảnh 1 Chính phủ họp báo chuyên đề sáng 4-1-2021. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5%

Nêu những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong năm 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, với ý nghĩa đặc biệt của năm 2021 và trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ vẫn xác định năm nay sẽ là một năm khó khăn. Do đó, yêu cầu cho đầu tư phát triển, phòng chống dịch, thiên tai, bảo đảm an ninh quốc phòng... là rất lớn, trong khi nguồn lực của chúng ta còn rất hạn hẹp. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tiềm năng phát triển của Việt Nam trong năm 2021 (WB dự báo 6,8%; ADB dự báo 6,3%; IMF dự báo 6,7%, Standard Chartered dự báo 7,8%; Goldman Sachs dự báo 8,1%...). Nghị quyết 01, 02 là để hiện thực hóa những đánh giá về tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 (Nghị quyết 01), Chính phủ xác định năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, và các kế hoạch theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Với dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài. Do đó, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là "đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển" và đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.

Cùng với việc thực hiện mục tiêu hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 124/2020/QH14, để tạo nền tảng cho tăng tốc phát triển ngay từ năm đầu của giai đoạn 2021-2025, hướng tới phát triển nhanh và bền vững theo đúng Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; trên cơ sở nhận định, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế và với quyết tâm cao, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức khoảng 6% Quốc hội giao).

Đồng thời, Chính phủ đề ra 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện và là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, đo lường kết quả thực hiện Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương.

Nghị quyết cũng nêu rõ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Biên Hòa - Vũng Tàu, một số công trình trọng điểm, giao thông liên vùng ở phía Bắc, nhất là ở vùng Tây Bắc; đẩy nhanh thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; tập trung đầu tư giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư, mở rộng các Cảng Hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Chú trọng phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu…

Chưa xác định thời điểm mở cửa giao thương vận tải hành khách trên toàn thế giới ảnh 2 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo, sáng 4-1-2021. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đối với Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Nghị quyết 02/2021 đề ra thông điệp của Chính phủ là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau.

Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 68, và đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung cho các bộ, ngành, UBND tỉnh thành. Trong đó có việc tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục thực hiện việc đánh giá độc lập và công bố Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02, kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

TP Hà Nội và TPHCM được giao chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để có thể giúp cải thiện điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam do sẽ được WB đánh giá về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thời gian sắp tới.

Sẽ tính toán thời điểm thực hiện gói hỗ trợ kinh tế thứ 2

“Chính phủ quyết tâm năm 2021 phải hơn 2020 cả về mục tiêu, kết quả. Tất cả những thành tựu năm nay phải tốt hơn năm trước”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không được chủ quan, mà tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ 2021, bảo đảm đạt tăng trưởng 6,5% (cao hơn mức 6%) mà Quốc hội đã đề ra.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay phải hết sức cảnh giác trong phòng chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan, kiểm soát người nhập cảnh chặt chẽ, bảo vệ thành quả phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, bảo đảm cho nhân dân yên vui đón Tết đón Xuân, bảo đảm an toàn cho các sự kiện quan trọng sắp tới.

Chưa xác định thời điểm mở cửa giao thương vận tải hành khách trên toàn thế giới ảnh 3 Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương trả lời báo chí tại buổi họp báo, sáng 4-1-2021. Ảnh: VGP

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi Chính phủ có tính đến gói hỗ trợ kinh tế thứ 2 vào năm 2021 không? Lộ trình mở cửa nền kinh tế? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng các giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bộ KH-ĐT đã báo cáo Chính phủ, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong năm 2021, thậm chí cả những năm tới. Việc xây dựng giải pháp hỗ trợ cần tiếp tục theo dõi thực tế, rà soát, đánh giá, kể cả căn cứ nguồn lực để đề ra các giải pháp phù hợp.

“Bộ sẽ căn cứ trên thực tiễn tình hình nền kinh tế bị ảnh hưởng để tính toán, báo cáo Chính phủ cụ thể. Tại thời điểm này thì chưa thể trả lời chi tiết về thời gian, mức độ hỗ trợ, Bộ sẽ thông tin vào một thời điểm chín muồi”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Trả lời câu hỏi về lộ trình mở cửa kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, hiện nền kinh tế chúng ta vẫn mở, xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường, còn mở cửa giao thương vận tải hành khách trên toàn thế giới thì hiện chưa có đủ thông tin để khẳng định thời điểm nào mở cửa. Bởi tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn rất phức tạp, thông tin về vaccine phòng Covid-19 chưa rõ, hiện chưa rõ quốc gia nào được tiêm vaccine  hiệu quả ra sao… Do đó, việc giao thương hành khách sẽ phải tính toán thận trọng, có những bước đi rất cẩn thận để bảo vệ thành quả của chúng ta.

“Hiện nay, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về nước của bà con rất lớn, chúng ta phải kiểm soát hết sức chặt chẽ. Bộ KH-ĐT sẽ trình Chính phủ để tính toán thời điểm mở giao thương vận tải trở lại”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Chỉ cấm khai thác đào rừng tự nhiên, không cấm đào rừng dân tự trồng

Tại buổi họp báo sáng 4-1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã lý giải về chỉ đạo của Thủ tướng "cấm chặt đào rừng chơi Tết".
Chưa xác định thời điểm mở cửa giao thương vận tải hành khách trên toàn thế giới ảnh 4 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm rõ thêm một số vấn đề các nhà báo đề cập tại họp báo. Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc cấm chặt đào rừng ở đây được hiểu là cấm chặt đào rừng ở rừng tự nhiên. “Vừa qua chúng ta đã được nghe chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng. Ở đây muốn nói là nghiêm cấm việc phá đào ở trong rừng tự nhiên, chỉ được khai thác đào rừng mà người dân tự trồng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nếu chặt, bẻ đào rừng tự nhiên ảnh hưởng đến phát triển rừng, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan du lịch thì chúng ta cấm. Còn người dân tự trồng đào rừng để phát triển kinh tế, thì vẫn khuyến khích.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24-12-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết. Ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo này một cách nghiêm túc.

Tin cùng chuyên mục