Chưa thể yên tâm chỉ với lời cam kết

Dư luận vừa tạm lắng sau thông cáo “trấn an” của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về độ an toàn của việc nhận chìm xuống biển gần 1 triệu m3 bùn, cát của nhà máy điện Vĩnh Tân 1 thì lại tiếp tục “dậy sóng” về đề xuất của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) xin đổ 2,4 triệu m3 bùn, cát xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận).
Địa điểm nhận chìm là phía Đông Bắc cảng Vĩnh Tân, cách Hòn Cau khoảng 10 km, cách vùng đệm Khu Bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 5km. Theo EVNGENCO3, 2,4 triệu m3 bùn, cát này phát sinh trong quá trình nạo vét luồng và vũng quay khi triển khai cảng 100.000 tấn để nhập than từ nước ngoài phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng và BOT Vĩnh Tân 3. Thành phần vật liệu nạo vét chủ yếu là bùn, cát (chiếm 60%), sét, sỏi, mảnh vỏ sò. Vật liệu nạo vét không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Khẳng định mình “không tham gia vào hoạt động cấp phép” cũng như không là thành viên của hội đồng xét duyệt hồ sơ xin nhận chìm ở biển của dự án, mà chỉ phát biểu với tư cách một người làm khoa học, PGS-TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nêu câu hỏi: nếu không đổ xuống biển thì lượng bùn cát kia đổ đi đâu? Ông Ca nhận định, trong nhiều trường hợp, việc đổ thải trên bờ rất khó khăn, tốn kém, thậm chí bất khả thi. 
Bên cạnh việc cần giải phóng mặt bằng một diện tích lớn làm “túi đựng”, việc đổ bùn cát sẽ làm nước mặn từ chất nạo vét ngấm xuống, gây ô nhiễm vùng đất xung quanh và tầng nước ngầm, phải mất nhiều năm mới rửa sạch được. Vẫn theo chuyên gia này, Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996 về Công ước về phòng ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác ở biển đều quy định chất nạo vét là chất được phép đổ xuống biển, tất nhiên với một danh mục cụ thể các loại vật chất được phép nhận chìm. Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng đã cho phép nhận chìm, đổ thải ở biển với danh mục hoàn toàn giống với công ước và nghị định thư nêu trên. 

Từ một góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cảnh báo, điều mà giới khoa học lo ngại không phải là độc tính về mặt hóa học của các loại bùn, cát mà là hoạt động đổ thải sẽ làm đục nước, ánh sáng không xuống được, làm đứt gãy chuỗi thức ăn của toàn bộ hệ sinh thái biển. Hoạt động đổ thải còn gây xáo trộn tầng đáy và ảnh hưởng đến sinh vật đáy - cơ sở nuôi sống nguồn lợi ở trong nước (những động vật đáy cỡ lớn).
Ông Trương Ngọc Giao (Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Hòn Cau) khi bàn về việc “nhận chìm” 1 triệu m3 trước đó cũng tỏ ra lo ngại, vị trí nhận chìm sau này sẽ có một lớp bùn cát có thể cao tới 6-7m, mà đây lại là khu vực có một “vùng nước trồi”, gây ra hiện tượng vận chuyển bùn cát sang khu biển khác; do vậy, sau khi thi công xong một thời gian phải đánh giá tác động đến khu bảo tồn biển Hòn Cau tới mức nào. 
Theo ông Nguyễn Tác An, một nghiên cứu thực nghiệm do ĐH Rutgers (Mỹ) thực hiện năm 1989 cho biết thời điểm đó, người Mỹ đổ bùn thải xuống vùng biển ngoài khơi New York, giới chuyên môn ghi nhận các hạt nặng cần 69 giờ đến 100 ngày để chìm xuống đáy, các hạt nhỏ hơn có thể lơ lửng cần từ 100 - 10.000 ngày để chìm xuống đáy. Chỉ có khoảng 20% vật chất lắng trực tiếp xuống khu vực xả thải, phần còn lại bị phân tán đi các nơi khác, tác động trong phạm vi hàng trăm hải lý, trong khi, đó, khoảng cách từ nơi xả thải đến Hòn Cau chỉ vỏn vẹn 10km.  

Trên cơ sở nghiên cứu điều kiện khí tượng hải văn khu vực và các phản ứng lý - hóa sẽ xảy ra với hiện tượng nước đục, ông Vũ Thanh Ca cũng nhận xét: “Tác động môi trường lớn nhất là gây ra nước đục, do đó quá trình giám sát  phải đảm bảo như hàm lượng  bùn trong nước tại ranh giới khu bảo tồn biển Hòn Cau và khu bãi cạn Brenda cũng như gần các khu nuôi trồng thủy sản không vượt giới hạn cho phép. Nếu vượt thì phải dừng ngay lập tức hoạt động nạo vét và chờ khi điều kiện thời tiết thuận lợi (chờ gió đổi sang hướng Nam, Đông Nam hoặc Tây Nam) mới tiếp tục thực hiện. Đồng thời, cần xây dựng các phương án ứng phó nếu xảy ra sự cố môi trường trong quá trình nhận chìm”.
Trước đó, khi giải thích về quyết định cho đổ 1 triệu m3 bùn cát của Vĩnh Tân 1, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc nói: “Bộ TN-MT ý thức được trách nhiệm trước dân và Chính phủ trong việc này. Khi thi công nếu các chỉ số vượt so với giấy phép thì cả Viện Hải dương học Nha Trang, Sở TN-MT Bình Thuận và đoàn công tác của bộ đều có thể ra quyết định tạm dừng thi công ngay”.

Vấn đề là thực tế chưa có cơ hội kiểm chứng những tác động lâu dài của việc đổ khối lượng lớn đến như thế bùn, cát xuống đáy biển, cũng như làm sao để kịp thời phát hiện ra tình trạng “các chỉ số vượt so với giấy phép”, khi mà đã có không ít trường hợp xả thải trái phép một thời gian rất dài mới bị phát hiện. Công luận có quyền đòi hỏi những giải pháp rất cụ thể được công khai, đảm bảo khả năng giám sát cũng như chế tài trừng phạt đích đáng vi phạm, chứ chưa thể yên tâm với những lời cam kết. Hơn nữa, về lâu về dài, khi lập dự án xây dựng nhà máy thì những vấn đề như thế này đã phải tính toán và công bố trước để tránh đặt xã hội vào việc đã rồi, không đồng ý cũng không ổn.

Tin cùng chuyên mục