Chưa đủ điều kiện phát triển phương tiện giao thông cá nhân trên đường thủy

Mặc dù quy hoạch phát triển giao thông đường thủy của TPHCM đã được lập và phê duyệt, nhưng khi đề cập về vấn đề phát triển phương tiện giao thông cá nhân trong lĩnh vực này, ngành chức năng cho rằng, chưa phải thời điểm để thực hiện.

Hệ thống đường thủy trên địa bàn TPHCM có tổng chiều dài 975km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân và 0,465km/km2. Tính ra, TPHCM có mật độ đường thủy bằng 73% so với ĐBSCL, khu vực có mật độ đường thủy cao nhất nước.

Địa bàn TPHCM đang có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 598,7km và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài hơn 100km. Về luồng tuyến, hiện có các tuyến liên tỉnh, tuyến nối tắt hoặc liên kết nội thành với khu cảng biển mới và các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch.

Chưa đủ điều kiện phát triển phương tiện giao thông cá nhân trên đường thủy ảnh 1 Sông Sài Gòn đoạn qua các quận 2, 7. Ảnh: CAO THĂNG
Đối với các tuyến liên tỉnh, từ TPHCM có nhiều luồng tuyến tỏa đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ. Chẳng hạn, từ TPHCM đi Hà Tiên (Kiên Giang) sẽ theo tuyến kênh Tẻ - kênh Đôi - rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - rạch Bà Lào - sông Cần Giuộc - kênh Nước Mặn - sông Vàm Cỏ - kênh Chợ Gạo - kênh Lấp Vò - Rạch Sỏi - kênh Rạch Giá - kênh Ba Hòn - thị trấn Kiên Lương, cự ly dài khoảng 320km theo tiêu chuẩn sông cấp III. Ở hướng Đông, từ TPHCM có thể tỏa đi Biên Hòa hoặc Bình Dương theo các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai…

Các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố cùng với các tuyến đường thủy nội địa Trung ương, tuyến hàng hải và hàng trăm cảng biển, cảng sông lớn nhỏ, đã tạo thành mạng lưới giao thông vận tải đường thủy kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối kết giao thương vận tải và kinh tế quốc tế.

Rõ ràng tiềm năng khai thác giao thông vận tải đường thủy nội địa trên mạng lưới sông - kênh - rạch của TPHCM không những rất lớn, mà một khi được khai thác tốt, sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa nhờ chi phí thấp hơn trên đường bộ hoặc đường hàng không.

Ngoài ra, giao thông vận tải theo đường thủy nội địa còn có nhiều lợi thế khác, như có thể vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, hàng hóa siêu trường, siêu trọng, lại ít gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể, một khi đường thủy phát triển, áp lực giao thông trên đường bộ, hiện đang quá tải, sẽ được san sẻ.

Mặc dù điều kiện sông nước tự nhiên có nhiều thuận lợi, thế nhưng cho đến lúc này, giao thông trên đường thủy bằng phương tiện cá nhân vẫn chưa được đưa vào quy hoạch phát triển.

Việc các phương tiện giao thông cá nhân đường thủy được phép hoạt động sẽ chia sẻ áp lực giao thông với đường bộ. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, hiện tại chưa phải thời điểm phù hợp để triển khai thực hiện do còn thiếu những điều kiện cần và đủ.

“Những cái thiếu đó là cơ chế pháp lý, phương thức quản lý loại hình này, cơ sở vật chất như bến bãi lưu đậu cho phương tiện giao thông thủy cá nhân...”, ông Bùi Hòa An giải thích.

Một trong những khó khăn về cơ sở hạ tầng là hiện nay quỹ đất dùng để đầu tư cho dịch vụ hậu cần kỹ thuật chưa nhiều, hành lang ven bờ sông tại nhiều nơi còn riêng lẻ, phân đoạn, chưa được kết nối thông suốt.

Ngoài ra, ý thức chấp hành giao thông chưa cao của một bộ phận không nhỏ người tham gia lưu thông cũng là một trở ngại lớn. Nếu ý thức chấp hành giao thông chưa được tuân thủ ở mức cao và phổ biến, giao thông trên đường thủy bằng phương tiện cá nhân - nếu được cho phép triển khai - cũng sẽ trở nên bất an, phức tạp và khó lường.

- Thời gian qua, Sở GTVT TPHCM đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông đường thủy; bao gồm công bố triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 cho 22 loại thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa; trong đó có 15 loại thủ tục tại Sở GTVT TPHCM và 7 loại thủ tục tại Cảng vụ Đường thủy nội địa. Từ năm 2017, Cảng vụ Đường thủy nội địa đã thí điểm làm thủ tục cho phương tiện vào/rời cảng, bến thủy nội địa bằng tin nhắn SMS.

- Dự kiến trong quý 2 năm nay, đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu GIS về hạ tầng đường thủy, công cụ thu thập, tích hợp, lưu trữ và cung cấp dữ liệu theo thời gian và xây dựng phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành đường thủy, cung cấp thông tin cho người dân thông qua các ứng dụng đi động.

- Đầu tư hệ thống camera giám sát tại các vị trí xung yếu như các ngã ba sông, luồng đường thủy có lưu lượng giao thông cao, các cảng, bến thủy nội địa... kết nối về trung tâm quản lý.

- Kết nối camera tại các bến phà, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông có lưu lượng vận tải lớn, kết nối thông tin về cơ quan quản lý.

Tin cùng chuyên mục