Chưa đồng thuận về quyền sở hữu trí tuệ vaccine Covid-19

Theo CNN, Hội đồng WTO giám sát Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) sẽ tổ chức cuộc họp không chính thức trong 2 ngày 8 và 9-6 để các nước thành viên tiếp tục đưa ra quan điểm về vấn đề bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19.
Các nước đang đẩy nhanh tiến trình thử nghiệm và tiêm vaccine Covid-19
Các nước đang đẩy nhanh tiến trình thử nghiệm và tiêm vaccine Covid-19

Ủng hộ và phản đối

Theo một quan chức thương mại Thụy Sĩ, tại một cuộc họp của Hội đồng WTO giám sát TRIPS, các bên đã bàn về những đề xuất nhằm khởi động những cuộc thảo luận dựa trên văn bản, thay vì các cuộc thảo luận nói chung, về việc miễn áp dụng bản quyền sáng chế vaccine Covid-19.

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) cùng với một số quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Australia, Brazil, Anh, Nhật Bản, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Điển và lãnh thổ Đài Loan tiếp tục bày tỏ hoài nghi về việc khởi động các cuộc đàm phán và đề nghị có thêm thời gian để phân tích đề xuất.

Trong khi đó, Pakistan, Argentina, Bangladesh, Ai Cập, Indonesia và Kenya nằm trong số những nước ủng hộ khởi động đàm phán. Quan chức này cũng cho biết các bên tiếp tục bất đồng về các khía cạnh như liệu việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 có giúp thực hiện mục tiêu đánh bại đại dịch, thời gian cũng như thời hạn áp dụng đề xuất này.

Những tháng qua, nhiều nước đề xuất tạm thời miễn áp dụng nghĩa vụ phát sinh theo TRIPS đối với vaccine Covid-19 để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Các ý kiến ủng hộ đề xuất trên cho rằng điều này giúp tăng sản lượng vaccine tại các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, các hãng dược phẩm lớn cũng như các nước mà các hãng này đặt trụ sở đến nay vẫn phản đối gay gắt đề xuất, khẳng định rằng bản quyền đối với vaccine không phải là rào cản chính ảnh hưởng đến sản lượng và cảnh báo động thái này có thể cản trở sáng tạo.

Mới đây, Ấn Độ và Nam Phi đã trình lên WTO đề xuất mới điều chỉnh. Theo văn bản được hai nước này và những nước ủng hộ lưu hành, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ nên áp dụng với các loại vaccine và cả các phương pháp điều trị, chẩn đoán, trang thiết bị y tế và bảo hộ cũng như các nguyên liệu và thành phần cần thiết để sản xuất những sản phẩm phòng ngừa Covid-19. 

Đến nay, đề xuất mới đã được 63 thành viên WTO ủng hộ. Để được WTO thông qua, các thỏa thuận cần phải được sự ủng hộ của tất cả 164 thành viên.

Chưa thể làm ngay

 Ngay cả khi các bằng sáng chế được dỡ bỏ ngay lập tức, sẽ không có gì có thể bảo đảm việc sản xuất vaccine sẽ được tăng tốc trên thế giới. Dây chuyền sản xuất vaccine vốn rất phức tạp và cần đầu tư đáng kể, trong đó dây chuyền lạnh ở -70oC phải được duy trì để bảo đảm sản xuất.

Về lý thuyết, AstraZeneca hay Johnson & Johnson dễ sản xuất hơn, nhưng điều đó không giải quyết được vấn đề chính hiện nay, là năng lực sản xuất và nguồn cung nguyên liệu. Trên hết, việc dỡ bỏ các bằng sáng chế sẽ chỉ là một biện pháp tượng trưng có rất ít hoặc thậm chí không có bất kỳ tác dụng nào trước năm 2022.

Về lâu dài, việc chuyển giao giấy phép có thể giúp giải phóng các địa điểm sản xuất ở châu Âu, nơi sẽ tập trung vào các vaccine và phương pháp điều trị khác. Các rào cản thực sự đối với việc gia nhập là công nghệ, bí quyết cụ thể và thâm dụng vốn. Sản xuất các loại vaccine này đòi hỏi phải xây dựng các đơn vị hoàn toàn mới, hoàn toàn chuyên dụng… Nó cũng đòi hỏi phải làm chủ những công nghệ tiên tiến này với lực lượng lao động trình độ cao. Những hoạt động này đòi hỏi nhiều tháng làm việc với số vốn khổng lồ và đương nhiên tất cả không thể được giải quyết trong tích tắc.

Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết, WB hiện có sẵn 12 tỷ USD để tài trợ cho các chương trình vaccine. Cần phải huy động ngân sách hơn nữa nếu cần thiết để hỗ trợ các nước mua và phân phối vaccine cũng như thúc đẩy chương trình tiêm chủng. Vào cuối tháng này, WB sẽ phê duyệt các hoạt động liên quan tới tiêm chủng tại hơn 50 quốc gia.

Tin cùng chuyên mục