Chưa có đủ cơ sở kết luận làm trái, gây thất thoát trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Đó là một trong những nội dung tại Kết luận thanh tra số 07/KL-TTR của Thanh tra Bộ Tư pháp do Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện ký ban hành ngày 8-4-2020 liên quan đến  dự án khu dân cư Cầu Đò và Mỹ Phước 4 tại Bến Cát, Bình Dương.
Phối cảnh DA Cầu Đò
Phối cảnh DA Cầu Đò

Qua 8 lần đấu giá mới thành công

Theo Kết luận Thanh tra (KLTT) số 07 về việc chấp hành các quy định pháp luật với Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) và Văn phòng Công chứng Mỹ Phước (VPCC Mỹ Phước) trong việc bán đấu giá Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 (DA Mỹ Phước 4) và Dự án Khu dân cư Cầu Đò (DA Cầu Đò) từng do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phú làm chủ đầu tư (Công ty Thiên Phú), ngày 28-10-2003, Công ty Thiên Phú ký hai hợp đồng tín dụng với Chi nhánh Agribank Chợ Lớn vay 78 tỷ đồng và 2.000 lượng vàng SJC.

Ngày 15-3-2011, Thiên Phú đã thế chấp hai DA Mỹ Phước 4 và Cầu Đò cho Agribank Chợ Lớn để đảm bảo hai khoản vay trên. Do không có tiền trả nợ, phát sinh nợ xấu nên Công ty Thiên Phú đồng ý để Agribank Chợ Lớn bán đấu giá hai dự án để trả nợ. Đến ngày 31-8-2012, tổng dư nợ của Thiên Phú là 294 tỷ đồng.

Với DA Mỹ Phước 4, sau khi được định giá là 208 tỷ đồng, Công ty Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, ghi rõ: “Công ty Thiên Phú tự nguyện bàn giao, bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp là QSDĐ, tài sản công trình khác gắn liền với dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương cấp GCN QSDĐ và hồ sơ pháp lý để Agribank Chợ Lớn tổ chức bán đấu giá thu hồi nợ. Giá khởi điểm là 208 tỷ đồng”. Công ty Nam Sài Gòn được chọn để tiến hành bán đấu giá tài sản. 

Ngày 19-6-2014, bán đấu giá lần thứ nhất, không ai đăng ký.

Lần thứ hai, ngày 15-9-2014, Công ty Nam Sài Gòn căn cứ theo yêu cầu của Agribank Chợ Lớn chia Mỹ Phước 4 thành 3 khu: A, B1, B2 để dễ tìm kiếm khách hàng. Tổng giá trị bán đấu giá Mỹ Phước 4 lần hai là 187 tỷ đồng nhưng vẫn không có khách hàng đăng ký tham gia.

Lần thứ ba, ngày 22-10-2014, kết quả vẫn không có khách hàng.

Lần thứ tư, ngày 14-11-2014, chỉ tiến hành đấu giá từng khu B1, B2 (khu A được bán đấu giá chung với Cầu Đò). Giá khởi điểm hai khu là hơn 84 tỷ đồng, nhưng vẫn không có khách hàng.

Lần thứ năm và thứ sáu, kết quả vẫn không có người tham gia.

Lần thứ bảy, ngày 27-7-2015, giảm giá khởi điểm trên 6%, từ hơn 84 tỷ đồng còn 79 tỷ đồng, bán chung thành 1 lô, không tách rời. Vẫn không có ai mua.

Đến lần thứ tám, giá khởi điểm là 77 tỷ đồng, nhưng chỉ có một khách hàng là Công ty Thuận Lợi. Ngày 9-10-2015, buổi đấu giá được tiến hành. Kết quả, Công ty Thuận Lợi mua được tài sản đấu giá với số tiền 77 tỷ đồng.

Với DA Cầu Đò, được định giá là 162 tỷ đồng, cũng phải qua hai lần đấu giá và cũng chỉ có Công ty Thuận Lợi tham gia. Ngày 5-12-2014, Công ty Thuận Lợi trúng đấu giá bằng giá khởi điểm là 232 tỷ đồng (làm tròn).

Sau trúng đấu giá, Agribank Chợ Lớn và Công ty Thuận Lợi thỏa thuận thanh toán tiền trúng đấu giá chia thành nhiều đợt với lý do phát sinh pháp lý, phải chuyển đổi mục đích và quy hoạch chi tiết 1/500, số tiền thanh toán lớn. Nếu Công ty Thuận Lợi không thanh toán đúng hạn thì chịu thêm lãi suất 1,5 lần của lãi suất 7,06%/năm. Công ty Thuận Lợi đã thanh toán đủ tiền và được các bên bàn giao tài sản, dự án; được UBND tỉnh Bình Dương thay đổi chủ đầu tư, phê duyệt các vấn đề pháp lý để thực hiện dự án. 

Hiện nay, DA Mỹ Phước 4 đã được cấp sổ đứng tên Công ty Thuận Lợi; DA Cầu Đò Công ty Thuận Lợi đã hoàn tất hạ tầng xây dựng các công trình tiện ích trong dự án để phục vụ cho khu dân cư. Các hợp đồng nguyên tắc đã được ký cho các khách hàng đầu tư vào 2 dự án này.

Không làm trái, không gây thất thoát tài sản nhà nước

Trong quá trình Công ty Thuận Lợi đang triển khai DA thì Công ty Thiên Phú bất ngờ có đơn tố cáo liên quan đến việc bán đấu giá tài sản đối với 2 DA Mỹ Phước 4 và Cầu Đò. Cụ thể: Có dấu hiệu thông đồng, dìm giá; Có dấu hiệu làm trái, gây thất thoát trong việc sử dụng, quản lý tài sản nhà nước; Ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vi phạm pháp luật; Công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá trái quy định.

Theo KLTT, việc thực hiện đấu giá còn có một số thiếu sót, tuy nhiên nội dung tố cáo Công ty Nam Sài Gòn “thông đồng, dìm giá trong việc không niêm yết, thông báo công khai”, hồ sơ tài liệu chưa đủ cơ sở kết luận tố cáo. Nội dung ông Nguyễn Việt Hưng vừa là Trưởng phòng Pháp chế, Phó phòng Hành chính nhân sự tại Agribank Chợ Lớn, vừa là cổ đông sáng lập Nam Sài Gòn: Hồ sơ tài liệu không thể hiện ông Hưng tham gia vào quá trình đấu giá nói trên, nên có chăng ông Hưng chỉ vi phạm quy chế của Agribank, không liên quan quá trình bán đấu giá. Nội dung tố cáo “có dấu hiệu làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước”, Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định: “không có cơ sở để kết luận”. 

Thanh tra Bộ Tư pháp đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra với các Chi nhánh của Agribank trong xử lý, thu hồi nợ, tránh khiếu nại, tố cáo phát sinh liên quan. Sở Tư pháp Bình Dương kiểm điểm trách nhiệm của VPCC Mỹ Phước. Công ty Nam Sài Gòn, tổ chức rút kinh nghiệm.

Như vậy sau nhiều năm chờ đợi, chủ đầu tư mới là Công ty Thuận Lợi mới bắt đầu hy vọng được tiếp tục triển khai thực hiện 2 DA mặc dù doanh nghiệp đã bỏ ra số tiền rất lớn để đấu giá cùng chi phí đầu tư hạ tầng cho dự án.

Tin cùng chuyên mục