Chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan: Tiền mất, tật mang

Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, hiện có không ít người bệnh vẫn tin tưởng trông chờ vào phép màu, nên làm theo những phương pháp chữa bệnh quái gở, phản khoa học, sặc mùi mê tín dị đoan. Nhiều trường hợp không chỉ gánh thêm nỗi đau về thể xác, mà bệnh tình cũng ngày một nặng thêm.
Nhập viện vì… mê tín
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á phẫu thuật thoát mủ khoang xương cho bệnh nhi M.T. (9 tuổi, ngụ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). T. được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng sốt cao, chân trái sưng to, căng cứng, tấy đỏ, đau nhức dữ dội, khiến em không thể đi lại được.
Người nhà cho biết trước khi nhập viện một tuần, chân trái của em T. đột nhiên sưng to, đau nhức kèm sốt cao nên người nhà đã đưa đi cắt lể nặn máu độc ra ngoài để điều trị đau chân.
Nhưng sau cắt lể, tình trạng của bệnh nhân ngày càng nặng, chân trái ngày càng sưng to, không giảm sốt, đau nhức nhiều. Lúc này người nhà mới hốt hoảng đưa con đến cơ sở y tế gần nhà khám và uống thuốc, sau đó đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.
Tại đây, sau thăm khám và kiểm tra lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tấy cẳng chân trái, theo dõi nhiễm trùng huyết, cần nhanh chóng phẫu thuật để tránh nguy cơ hoại tử chi. Sau gây mê, các bác sĩ rạch da trên xương chày nơi tụ mủ nhiều, thấy mủ trắng đục trào ra kèm nhiều mô hoại tử. Các bác sĩ phải cắt lọc, nạo viêm, tháo mủ, dẫn lưu liên tục để thoát mủ và giảm áp lực trong tủy xương. 
Chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan: Tiền mất, tật mang ảnh 1 Một trường hợp bị “thầy pháp” đánh đến mức phải nhập viện
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Tiếp, nguyên Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình nhi - Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, hiện nay ở một số địa phương, người dân vẫn còn áp dụng phương pháp cắt lể (véo lên chỗ da cần lể rồi dùng dao hoặc kim, mảnh thủy tinh để rạch một vết nhỏ và nặn máu vài lần) hoặc đắp thuốc tùy tiện để chữa bệnh.
Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh viêm gan, HIV và còn gây chảy máu không cầm, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử chi, xuất huyết não… gây nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời. 
Trước đó, các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận hai chị em ruột là bà N.T.T. (47 tuổi) và bà N.T.N. (44 tuổi, đều ngụ tại tỉnh Bình Dương) bị “thầy pháp” dùng roi dâu đánh vào người, khiến cơ thể bị tổn thương nặng. Theo người nhà bệnh nhân, chị T. có biểu hiện giống như ma nhập, thường xuyên lên cơn nói nhảm, xưng hô tên ông bà…
Người nhà nghe giới thiệu một “pháp sư” ở Đắk Lắk nên mời đến nhà để chữa cho chị T. Trong quá trình làm lễ trừ tà, “thầy” mời tất cả mọi người ra ngoài hết và dùng roi dâu đánh liên tục vào người chị T., rồi đánh sang cả chị N.
Đến chiều cùng ngày, cả hai người đều khó thở và ngất xỉu, gia đình vội chở vào Bệnh viện Bình Dương cấp cứu. Thấy tình trạng bệnh nhân quá nặng, các bác sĩ đã chuyển cả hai lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả thăm khám cho thấy bà N. thận bị dập nát và chuyển sang suy thận cấp, còn bà T. bị đa chấn thương, máu tụ lớn ở phần cổ, suy hô hấp, hôn mê sâu.
Tỉnh táo trước lời đồn
Mặc dù nền y học trong nước đã rất phát triển nhưng ở một số vùng miền, người dân vẫn tin vào những phương pháp chữa bệnh bằng mê tín dị đoan. Hiệu quả chưa thấy đâu mà hậu quả thì đã nhãn tiền.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, không chỉ ở nông thôn, mà ngay tại các đô thị, không ít người vẫn chữa bệnh theo tin đồn, mua thuốc và tự điều trị theo các bài thuốc dân gian truyền miệng, để rồi nhiều người phải cấp cứu trong nguy kịch, phải thở máy, thậm chí tử vong vì ngộ độc, vì sự chủ quan.
“Đa số người bệnh đi khám các thầy lang là do truyền miệng, người đi trước thổi phồng sự việc. Có khi người nào đó vô tình khỏi bệnh, nhưng lại kể cho người khác về bệnh tình của mình được chữa khỏi một cách ly kỳ bởi những thầy lang thần thánh, hoặc “tam sao thất bản” những bài thuốc bí truyền rồi người này đồn người kia tạo nên hiệu ứng. Đến khi người bệnh gặp hậu quả nghiêm trọng thì đã muộn”, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui cho hay.
Theo luật sư Phạm Hoài Nam, điều hành Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn, khoản 8, Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ điểm g, khoản 3, Điều 28 Nghị định 176/2013, trường hợp sử dụng hình thức mê tín khi hành nghề sẽ bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng.
Người sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 247 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009, phạt tiền 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù 3 - 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 3 - 30 triệu đồng. 
Cũng theo luật sư Phạm Hoài Nam, hiện còn tồn tại khá nhiều điểm mê tín dị đoan núp bóng cơ sở khám chữa bệnh trái phép, lợi dụng sự cả tin để trục lợi. Người dân nên tỉnh táo nhận biết, không nghe theo những lời đồn đại vô căn cứ, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền thì mất mà bệnh thì ngày càng xấu đi.  

Tin cùng chuyên mục