Chữa bệnh “chán”

“Ráng đi, bữa nay là thứ sáu rồi”, “Chờ cuối tuần rồi đi cho đã”, “Cuối tuần, đi xả stress”… Những câu than vãn quá quen thuộc với một số bạn trẻ, một tuần làm việc chỉ để chờ đến ngày thứ bảy, chủ nhật. Và “chán” dường như là bệnh chung trong giới trẻ hiện đại.

Học luật và ra trường làm công việc nhân viên pháp chế cho một chi nhánh ngân hàng, mọi thứ đúng với chuyên ngành đã học nhưng Nguyễn Tiến Đạt (25 tuổi, ngụ quận 7) vẫn không hài lòng. Đạt kể, ngành của anh học xong ra trường lương khởi điểm 4-5 triệu đồng/tháng, trong khi mấy ngành khác lương cao lắm. Lúc đi học cũng gian nan, vậy mà ra trường lương thấp quá, anh chuyển chỗ này nữa là 2 lần rồi, cũng ráng làm vì không muốn mang tiếng thất nghiệp. Một ngày làm việc theo giờ hành chính, không hẹn hò cà phê cùng bạn bè, đồng nghiệp, khi về nhà, lười tập luyện và càng không hứng thú với những hội nhóm hoạt động xã hội. Một tuần đi làm chỉ trông đến cuối tuần để đi chơi hoặc ngủ nướng.

Câu chuyện của Đạt không phải quá xa lạ với đời sống của giới trẻ hiện đại. Chán, dường như là căn bệnh chung của khá nhiều bạn trẻ hiện nay. Người đi làm chán nản với công việc, người đi học chán nản bài vở, thi cử, tuy nhiên lại ít ai mạnh dạn thay đổi.

Áp lực kinh tế, ngại mang tiếng thất nghiệp, ngại đối mặt với bạn bè, gia đình… những khó khăn ở giai đoạn trưởng thành và lập nghiệp, một số người trẻ chấp nhận chọn đại một công việc dù trái ngành, hoặc quá chú trọng vào sự nghiệp, khiến người ta như chạy đua với thời gian để thành công, thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống không còn bao nhiêu. Từ đó dễ dẫn đến chuyện không ít bạn trẻ đi làm chỉ mong chờ đến cuối tuần.

Không ít lần giải quyết đơn xin nghỉ việc của các nhân viên trẻ, dù đi làm chưa hết 2 tháng thử việc, chị Bảo Ngọc (33 tuổi, trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp nội thất) chia sẻ: “Dù ngay từ khi phỏng vấn đã biết làm trái ngành nhưng nhiều bạn vẫn quyết đi làm, có người làm không đầy một tháng là nghỉ luôn vì quá chán. Thực tế vẫn có những người thành công dù làm trái ngành, nhưng số đó không nhiều và không phải ai cũng đủ khả năng để làm việc trái ngành thật tốt. Người trẻ khi bước vào những năm cuối đại học hay cao đẳng nên chọn cho mình chỗ thực tập hoặc thử làm thêm ở những công ty đang tuyển dụng đúng với ngành học của mình, làm nền tảng để khi ra trường không phải loay hoay tìm việc, rồi chọn đại công việc không đúng chuyên môn đã học, làm việc trái ngành rất dễ chán”.

Có một thực tế, nhiều bạn trẻ đi làm một cách thụ động, xong việc thì về, cuối tháng chờ lương, mọi thứ cứ lặp lại một cách chán nản. Rất khó để thay đổi hoặc rèn luyện một thói quen, nhưng nếu chịu khó rèn luyện cho mình năng động hơn, tham gia các hoạt động xã hội, tập luyện thể thao, sắp xếp công việc và sở thích một cách hợp lý để tận hưởng cuộc sống, thử sức trong công việc, chắc chắn bạn trẻ sẽ có cuộc sống thú vị.

Tin cùng chuyên mục