Chưa bao giờ tắt niềm hy vọng

Thuộc thế hệ 9X, Lê Quang Trạng là một trong những nhà văn trẻ nổi bật của ĐBSCL hiện nay. Dù ở thể loại nào, văn chương của Trạng vẫn luôn là những trang viết đầy rung cảm về thân phận con người miền Tây.
Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng
Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng

“Chào sân” bằng tập truyện ngắn Dòng sông không trôi (NXB Văn hóa - Văn nghệ, năm 2016), Lê Quang Trạng gây ấn tượng với những trang viết chững chạc và già dặn. Tác phẩm ra mắt khi Trạng vừa tròn 20 tuổi, nhưng nhiều truyện ngắn trong tập lại được anh viết vào lúc 15, 16 tuổi. Ngoài bối cảnh vùng sông nước Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang - quê hương của Trạng, tập truyện còn đưa người đọc đến với Tràm Chim, Bảy Núi, Long Xuyên. Chính từ những bối cảnh đặc trưng, tình đất tình người vùng sông nước hiện lên đầy chân thực và ấm áp.

Như một sự tiếp nối, sau 6 năm, Lê Quang Trạng vừa giới thiệu đến bạn đọc tập truyện thứ 2, Vệt sáng của bụi (NXB Trẻ) - một trong 12 tác phẩm vào chung khảo giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7. So với tập truyện đầu tay, Vệt sáng của bụi cho thấy một Lê Quang Trạng đã vào độ chín, có sự tiến xa so với lúc viết Dòng sông không trôi. Theo chia sẻ của Lê Quang Trạng, tập truyện được anh hoàn thành ngay trong những ngày dịch bệnh căng thẳng. 

Trước thời điểm miền Tây giãn cách xã hội thời gian dài, anh đã viết xong bản thảo để gửi tham gia cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 7. Tuy nhiên, trong những ngày giãn cách, đọc lại bản thảo sau mấy năm cất vào hộc tủ, thấy chưa ưng, anh quyết định sửa và viết mới gần như 70% tập truyện.

“Thời điểm này cũng là lúc tôi có nhiều chuyện vui, buồn xảy đến. Tuy nhiên, gia đình và văn chương đã là chỗ dựa vững chắc cho tôi có một cái nhìn khác đi về dịch bệnh và những điều bất ngờ xảy đến. Tôi đã viết tập truyện trong những ngày giãn cách, bệnh tật, tù túng… nhưng chưa bao giờ tắt đi niềm hy vọng”, Lê Quang Trạng chia sẻ. 

Không chỉ sáng tác truyện ngắn, Lê Quang Trạng còn viết tản văn, truyện thiếu nhi, thơ. Khoảng thời gian giữa 2 tập truyện ra đời, anh từng ra mắt tập thơ Áp tai vào đất, tập truyện dài thiếu nhi Thủ lĩnh băng vịt đồng. Ở thể loại nào, anh cũng tạo được dấu ấn nhất định.

“Tôi nghĩ, mình may mắn khi viết được nhiều thể loại. Bởi có những điều muốn nói, không nói được bằng thơ thì đôi khi nói bằng truyện ngắn sẽ thú vị hơn. Và tôi có nhiều cách để nói, để kể lại câu chuyện của mình. Mỗi thể loại sẽ có cái hay riêng của nó, cũng khó nói rằng mình mong muốn bạn đọc nhớ đến mình ở thể loại nào. Với tôi, bạn đọc đồng cảm với mình và nhớ đến một chi tiết của mình thôi, đấy đã là điều hạnh phúc đối với người viết”, Lê Quang Trạng bày tỏ.

Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, không có gì khó hiểu khi những trang viết của Lê Quang Trạng đậm chất miệt vườn và ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa nơi đây. Anh bảo, chính “quê hương văn học” này đã giúp anh lớn lên, và anh sẽ còn tắm mình lâu hơn nữa trong không gian miền đất này.

“Có điều, tôi luôn ý thức rằng mình cần “tắm” trong một góc nhìn mới ra sao, và viết như thế nào để đưa miền Tây, cũng như đưa trang viết mình đi xa hơn nữa. Đó là những câu hỏi tôi luôn tự vấn mình trước khi đặt bút vào trang giấy trắng”, Lê Quang Trạng cho biết.

Với những nỗ lực và tài năng của mình, Lê Quang Trạng đã đoạt nhiều giải thưởng văn học như: giải tư cuộc vận động Sáng tác văn học nghệ thuật của Bộ Quốc phòng năm 2017, giải tư cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2018-2019, giải tư cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2015-2017, giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016, giải A - giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI 2016-2020…

Tin cùng chuyên mục