Chưa an tâm về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Gần đây dư luận xôn xao với vụ đổi 100USD không đúng nơi quy định bị phạt 90 triệu đồng, hay như dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT quy định “bán dâm 4 lần bị đuổi học”…, đã làm nóng nghị trường Quốc hội.

Mặc dù Nhà nước đang đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền, chính phủ kiến tạo, hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng những quy định gây bất bình trong dư luận như thế không phải là chuyện hy hữu trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều đổi mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013. Đồng thời, góp phần xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tuy nhiên, thực tế công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cho thấy một số quy định còn thể hiện ý chí chủ quan, tính dự báo không cao, có dấu hiệu “gài” lợi ích nhóm, nên sức sống không dài. Ngoài ra, các quy định về thủ tục quá phiền phức hoặc mập mờ, việc cắt giảm chưa thật mạnh mẽ của nhiều bộ ngành, lệ phí quá cao hoặc không được công bố, đều bị coi là không đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Nhu cầu của giai đoạn hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo việc thực thi chúng một cách nghiêm minh. Thiết nghĩ, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể để đáp ứng các yêu cầu nêu trên.

Thứ nhất, cần quy định đầy đủ và chặt chẽ hơn yêu cầu nghiên cứu chính sách giai đoạn trước khi lập chương trình xây dựng luật. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về dự báo đánh giá tác động của chính sách, chỉ đưa vào chương trình xây dựng luật những dự án luật đã được chuẩn bị tốt các nội dung, chính sách có liên quan.

Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật phải được xây dựng ổn định. Tất nhiên, ổn định ở đây không có nghĩa là không thay đổi, mà luật có thể thay đổi, bổ sung để đáp ứng với tình hình phát triển của nền kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, việc xây dựng hoàn thiện luật cần phải minh bạch, phù hợp với quyền lợi chung và sự phát triển của xã hội, thúc đẩy sự phát triển chung, không vì quyền lợi cục bộ của một bộ, ngành hoặc một số ít người. Trên cơ sở này, pháp luật mới tạo được môi trường pháp lý bình đẳng cho các đối tượng bị điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần mở rộng đơn vị tham gia nghiên cứu chính sách phục vụ cho việc xây dựng luật, các tổ chức, cá nhân sáng kiến luật, xã hội hóa việc soạn thảo hoàn thiện luật.

Thứ tư, cần có sự quan tâm và đầu tư thích đáng cho xây dựng hoàn thiện luật. Cần có sự hợp tác chặt chẽ trong việc nghiên cứu chính sách nhằm bảo đảm chính sách mang tính liên thông, tạo điều kiện hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thứ năm, phải tiếp tục cải cách, bãi bỏ các giấy phép con không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, đơn giản hóa và hợp lý hóa công tác thu thuế và thủ tục hải quan... Cần có cơ chế giám sát, kiểm tra để cán bộ công chức không gây khó dễ cho doanh nghiệp để vòi vĩnh hạn chế tạo kẽ hở để công chức nhũng nhiễu, tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục