Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Chiều 26-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đã chủ trì phiên họp của hội đồng.
Học sinh trở về trường cũ tặng hoa tri ân cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: MAI HẢI
Học sinh trở về trường cũ tặng hoa tri ân cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: MAI HẢI

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp cho biết, bên cạnh một số kết quả đạt được, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh còn chưa thiết thực. Mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều trong khi mục tiêu dạy người còn bị xem nhẹ. Việc phân bố nội dung, thời lượng giáo dục đạo đức chưa phù hợp khi mà càng lên lớp cao hơn, nội dung giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa thực sự chuyển biến, nhiều khi còn hình thức. “Ngành giáo dục thời gian qua chưa có giải pháp căn cơ, hiệu quả đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện giáo dục đạo đức, văn hóa lối sống còn hạn chế, xem nhẹ giáo dục lễ giáo, đạo đức, lối sống mà chỉ tập trung chủ yếu cho các môn văn hóa (dạy chữ)”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định. Bên cạnh đó, một số giáo viên hạn chế về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học, chậm đổi mới; cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, chưa thể hiện vai trò nêu gương đối với học sinh.

Ý kiến của các thành viên hội đồng cũng nêu thực tế hiện nay, công tác dạy đạo đức, lối sống cho học sinh ở tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm. GS-TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận lâu nay việc dạy người cho các em học sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải quan tâm thực sự đến khoa học về giáo dục đạo đức, lối sống để tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên tất cả các môn học. Cùng với đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa gia đình với nhà trường, khắc phục tình trạng khoán trắng cho nhà trường, phát động phong trào “thầy trò học cùng nhau”… GS Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học Việt Nam) khẳng định, giáo dục đạo đức cho học sinh cần sự chung tay của tất cả mọi người, nhưng trước hết phải làm sao “trường phải ra trường”, “thầy ra thầy” thì mới có “trò ra trò”.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được những kết quả tích cực, chuyển biến từ những việc nhỏ như hát quốc ca khi chào cờ, vệ sinh trường lớp… Nhưng yêu cầu phát triển trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm. Theo Phó Thủ tướng, ngoài những điểm còn cần thống nhất, cập nhật thì các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống vẫn đúng như “Năm điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… phải duy trì, phát huy và nếu cần thì điều chỉnh cho phù hợp. Các chỉ đạo, phát động, phong trào của ngành giáo dục đi ngược lại tinh thần này thì kiên quyết bỏ. Phó Thủ tướng “đặt hàng” Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Hệ tri thức Việt số hóa để huy động giáo viên đóng góp các bài giảng mẫu mực về đạo đức, giáo dục công dân, sao cho thiết thực, sinh động nhất.

Tin cùng chuyên mục