Kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2021)

Chú trọng đào tạo thực hành để trở thành bác sĩ thực thụ

“Ngành Y là một ngành đặc biệt với kiến thức thay đổi từng ngày, từ phương pháp điều trị, các kỹ thuật mới, các thể loại bệnh lý mới đến yếu tố cơ sở vật chất như công nghệ, thiết bị và phòng thí nghiệm…, đòi hỏi người bác sĩ phải giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực hành và thường xuyên đào tạo để điều trị tốt nhất cho người bệnh”- Đó là lời khẳng định cũng là lời tâm sự của PGS-TS-BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM về tầm quan trọng của việc đào tạo thực hành cho các sinh viên y khoa.
PGS-TS-BS Lê Minh Khôi đang thăm khám cho bệnh nhi
PGS-TS-BS Lê Minh Khôi đang thăm khám cho bệnh nhi

Theo PGS TS-BS Lê Minh Khôi: Cha đẻ của ngành Lâm sàng – ông William Osler từng chia sẻ rằng, đối với người học ngành y, nếu chỉ có kỹ năng mà không học lý thuyết sẽ giống như tiến ra đại dương mà không có bản đồ hay định hướng, còn nếu chỉ chuyên tâm tiếp thu lý thuyết thì sẽ tựa như cầm bản đồ nhưng không bao giờ ra biển.

Bản thân chúng tôi trong quá trình học tập, làm việc cũng nhận rõ tầm quan trọng của việc “lý thuyết đi đôi với thực hành”. Khi đào tạo một sinh viên y khoa, năm nhất các em sẽ được tìm hiểu, tham quan bệnh viện; năm hai bắt đầu thực tập và năm ba sẽ chính thức phối hợp lâm sàng với các bác sĩ chuyên khoa.

 “Bản thân tôi cũng đã nhiều lần chia sẻ với các bạn sinh viên rằng việc các bạn đi thực tập là học cho việc học; sau này khi ra trường, được chính thức vào bệnh viện thì các bạn mới thật sự là đang học để trở thành một người bác sĩ thực thụ. Đây chính là lý do vì sao việc đào tạo thực hành tại trường là cực kỳ quan trọng”, PGS TS-BS Lê Minh Khôi cho hay.

Chú trọng đào tạo thực hành để trở thành bác sĩ thực thụ ảnh 1 Các thầy cô, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong một buổi khai giảng đào tạo tim mạch can thiệp
Trong việc khám chữa bệnh, cần lấy người bệnh là trung tâm và đối với công tác đào tạo lấy học viên làm trung tâm, phải xây dựng các chương trình học dựa vào nội dung học viên cần, chứ không phải những gì mình có.

Theo PGS TS-BS Lê Minh Khôi, điều trị, nghiên cứu và đào tạo được xem là ba đỉnh của một tam giác được liên kết chặt chẽ, bổ trợ và nâng đỡ cho nhau. Và đã là người bác sĩ thì không thể thiếu bất kỳ yếu tố nào. Nhiệm vụ của một nhà nghiên cứu là phải tìm hiểu, phân tích và chứng minh được những vấn đề mới có trong thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được việc đó, người nghiên cứu cần phải đào sâu vào những vấn đề cũ. Cụ thể, chúng tôi phải tìm tòi, học hỏi và phân tích những đề tài nghiên cứu đã được thực hiện, để nâng cao và phát triển mở rộng.

“Các thầy cô đều phải nỗ lực học hỏi, nghiên cứu thêm những vấn đề y khoa trong cuộc sống hằng ngày, không chỉ dừng lại ở việc khám chữa bệnh. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu khoa học được xem là bằng chứng tốt nhất có thể chứng minh được năng lực của các bác sĩ, thậm chí là của cả một bệnh viện. Việc nghiên cứu chuyên sâu nắm giữ vai trò quan trọng. Đầu tiên, nghiên cứu sẽ giúp người bác sĩ nâng cao năng lực, mở rộng kiến thức chuyên môn, tiếp đó là thể hiện trình độ của bệnh viện cho xã hội và quan trọng nhất là có thể cống hiến được những công trình mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng”, PGS-TS-BS Lê Minh Khôi nhấn mạnh.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, việc các sinh viên y khoa được học những phương pháp điều trị tốt nhất, mới nhất, được tiếp xúc với những công nghệ kỹ thuật mới nhất là điều tốt. Tuy nhiên, nếu sinh viên ra trường và không tiếp tục làm tại các bệnh viện lớn thì sẽ phải áp dụng những kỹ thuật đó như thế nào? .

Trả lời vấn đề này, PGS-TS Lê Minh Khôi cho rằng, đây cũng là tâm lý lo sợ chung của nhiều người. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang phát triển vô cùng tích cực về mặt kinh tế, công nghệ kỹ thuật số và đặc biệt là luôn tập trung đầu tư cho ngành y tế.

Phần lớn các cơ sở y tế lớn đều được trang bị và cập nhật những kiến thức mới nhất. Việc chia sẻ thông tin và chuyển giao công nghệ không còn gặp nhiều khó khăn. Những bác sĩ học kỹ thuật mới thì chắc chắn họ cũng sẽ thực hiện chúng trong tương lai gần nhất. Thậm chí có thể là đầu mối giúp phát triển và truyền đạt lại cho những vùng y tế chưa phát triển tại Việt Nam.

Đối với ngành y, việc khó khăn nhất là đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực vững mạnh. Thực tế hiện nay đang có rất nhiều bệnh viện được trang bị các công nghệ hiện đại nhưng lại thiếu người có thể sử dụng được chúng. Ví dụ, thiết bị can thiệp tim mạch đã được phổ biến hơn hai năm nhưng vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.

Bên cạnh đó, để có thể học được cách áp dụng những phương pháp điều trị, người bác sĩ cũng đã phải thấu hiểu rõ bệnh lý và các triệu chứng liên quan. Việc này cũng sẽ giúp cho họ định hướng tốt hơn trong việc khám chữa bệnh cho những ca khó tương tự. Họ sẽ biết người bệnh cần gì và làm gì để có thể xử lý vấn đề sức khỏe một cách tối ưu nhất.

Tin cùng chuyên mục