Chú trọng chuẩn hóa địa danh để tránh tranh chấp lãnh thổ ​

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo chú trọng việc chuẩn hóa địa danh để tránh sự tranh chấp về lãnh thổ, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp; tạo thuận lợi trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng

Qua thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, việc ban hành Luật Đo đạc và bản đồ (ĐĐ&BĐ) là rất cần thiết, đã bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí. Luật cũng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm và xã hội hóa hoạt động ĐĐ&BĐ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, dự thảo Luật vẫn được xây dựng theo cách truyền thống. Trong khi đó lĩnh vực ĐĐ&BĐ có liên quan mật thiết với những tiến bộ khoa học và công nghệ đang tiến nhanh như vũ bão. Nhiều nội dung của ĐĐ&BĐ đã trở nên phổ thông, được truy cập miễn phí; ví dụ bằng công cụ tìm kiếm google có thể biết vị trí chính xác hàng cm; bằng công nghệ la-de có thể kiểm soát khoáng sản mà không phải khoan thăm dò rất tốn kém… “Do đó, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng hiện đại để thích ứng với hoạt động có tính chuyên ngành của lĩnh vực ĐĐ&BĐ”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhận định.

Ông Phan Xuân Dũng cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo chú trọng việc chuẩn hóa địa danh để tránh sự tranh chấp về lãnh thổ, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp; tạo thuận lợi trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… Tuy nhiên, trong dự thảo Luật dù đã có Điều 19 quy định yêu cầu về chuẩn hóa địa danh, Điều 20 quy định về triển khai chuẩn hóa địa danh nhưng lại không có quy định về nguyên tắc chuẩn hóa địa danh.

Về thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định việc cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ phục vụ mục đích cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH. Những sản phẩm ĐĐ&BĐ phục vụ quốc phòng, an ninh đã quá thời gian cần “bảo mật” cũng cần được công bố rộng rãi. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng chỉ rõ: “Trong dự thảo Luật, những thông tin, dữ liệu ĐĐ&BĐ được công bố còn tương đối hạn chế”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là một vấn đề mới và quan trọng, là nguồn lực thông tin, công cụ trợ giúp trực tiếp vào việc xây dựng chính phủ điện tử và cải cách hành chính, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, song dự thảo các Nghị định về hoạt động ĐĐ&BĐ vẫn chưa quy định. 

Tin cùng chuyên mục