Chú trọng cả 3 “chân kiềng” cho công tác dự báo

Mặc dù tất cả những dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2021 đều nghiêng về xu hướng tăng trưởng lạc quan hơn năm 2020, song mức chênh lệch giữa các dự báo được đưa ra bởi các tổ chức khác nhau cũng rất đáng kể.

Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng trong năm 2021 của nước ta là 6,1%. Ngân hàng United Overseas Bank (UOB Việt Nam, có trụ sở chính tại Singapore) thì cho rằng kinh tế năm 2021 có thể bật tăng đến mức 7,1% nhờ mức tăng trưởng thấp năm 2020 cũng như những yếu tố thuận lợi khác như các thỏa thuận tự do thương mại đã ký kết thời gian gần đây... Trong khi Ngân hàng HSBC dự báo kỳ vọng tăng trưởng sẽ đạt mức 8,1% trong năm 2021 và thậm chí, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings dự báo Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của dịch Covid-19 với tăng trưởng GDP đạt tới 11,2% vào năm 2021.

Trong khi đó, các tổ chức nghiên cứu trong nước có vẻ dè dặt hơn. Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra các mô hình dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp) nhưng nhấn mạnh kịch bản cao chỉ có thể đạt được trong bối cảnh rất thuận lợi (kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI). Cùng quan điểm, các chuyên gia của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn còn nhiều thách thức xuất phát từ hiệu quả chưa rõ ràng của vaccine phòng Covid-19 và rủi ro tiềm ẩn bong bóng nợ công ở các nước phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 nhiều khả năng ở mức 6%. Cũng chọn phương án nhiều kịch bản, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT) cho rằng, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất hiện nay là tốc độ tăng trưởng đạt 6,17% (với CPI trung bình khoảng 3,8%). Ít khả năng nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 cũng có thể đạt 6,72% (CPI trung bình khoảng 4,2%) trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Còn cả một năm trước mắt để kiểm chứng những dự báo này. Hơn nữa, chắc chắn những dự báo cũng sẽ được điều chỉnh, có thể không chỉ một lần, cho phù hợp với tình hình thực tế. ADB từng điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho năm 2020 từ 1,8% lên 2,3%; còn WB trong dự báo cuối cùng về năm 2020 cho rằng GDP của Việt Nam tăng 2,5%-3% trong năm 2020 so với mức 2,8% trước đó (mức dự báo 2,8% được đưa ra khi chưa tính đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng).

Nhưng đã là dự báo, chắc chắn sẽ có độ “vênh” nhất định so với thực tế. Các nhà kinh tế thường nói vui rằng, họ luôn phải làm công việc “đầu năm ăn ốc nói mò”. Quả thực, dự báo được sớm và chính xác tình hình diễn biến kinh tế là yêu cầu vô cùng cần thiết cho công tác hoạch định chính sách cũng như điều hành, thế nhưng việc dự báo thực chất là giải một bài toán với rất nhiều biến số. Hơn thế, những biến số này lại còn thay đổi rất nhanh chóng nên nếu không sở hữu được nguồn dữ liệu chính xác, cập nhật thường xuyên và có mô hình tính toán khoa học thì dự báo rất dễ “lố” (giả định là công tác dự báo hoàn toàn trung thực, khách quan). Những dự báo được các cơ quan nghiên cứu hay thậm chí các định chế tài chính quốc tế công bố 6 tháng/lần như hiện nay thường chỉ có ý nghĩa chỉ ra xu hướng, trong khi công tác điều hành vĩ mô hoặc ra quyết định kinh doanh từng lĩnh vực cụ thể cần có những phân tích sâu để dự báo chi tiết hơn rất nhiều. Và muốn thế cần đầu tư nhiều hơn nữa cho cả 3 “chân kiềng” gồm: công tác tập hợp dữ liệu, công cụ tính toán và nhân sự để thực hiện công tác này bởi thông tin từ Tổng cục Thống kê là một nguồn đầu vào hết sức quan trọng nhưng chưa đủ.

Tin cùng chuyên mục