Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu: Cần hướng tới mô hình “nhà trọ kiểu mới”

Trong quá trình triển khai kế hoạch xây dựng hơn 18.000 căn hộ cho công nhân, người lao động trong giai đoạn 2021-2025, trước mắt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị khảo sát, xây dựng và triển khai ngay chương trình cải thiện điều kiện chỗ ở, hướng tới mô hình “nhà trọ kiểu mới”.
Ngày 7-12, HĐND TPHCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 4 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối năm, tập trung xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các tờ trình của UBND TPHCM, cùng nhiều vấn đề quan trọng.
Tại kỳ họp, đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trình bày thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền thành phố năm 2021.
Theo đó, năm 2021, TPHCM đã trải qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư với nhiều ảnh hưởng nặng nề, tác động mạnh đến tình hình kinh tế và đời sống của nhân dân thành phố. Đến nay, các hoạt động kinh tế, du lịch của TPHCM đang phục hồi và phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thông tin, cử tri và nhân dân thành phố đánh giá cao việc tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19; thể hiện sự biết ơn và trân trọng trước sự hy sinh, dấn thân của các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, xoa dịu nỗi đau mất mát của hơn 23.000 gia đình có người thân tử vong trong đại dịch.
Trong năm 2021, đồng chí Tô Thị Bích Châu cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã bám sát chỉ đạo của Thành ủy, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với HĐND-UBND TPHCM cùng với các tổ chức thành viên đã tổ chức thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đạt được một số kết quả. Trong đó kịp thời hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch và nhân dân thành phố vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu: Cần hướng tới mô hình “nhà trọ kiểu mới” ảnh 1 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chuyển 2.527.095 túi an sinh để kịp thời hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn trên địa bàn thành phố. Các cộng đồng dân tộc, các cơ sở tôn giáo, các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn thành phố cũng tham gia đóng góp, tài trợ về kinh phí, nhu yếu phẩm và vật tư, trang thiết bị y tế... để ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 và mua vaccine phòng Covid-19.
Trong đó, các tổ chức tôn giáo đã vận động 682 tình nguyện viên là tăng ni, Phật tử cùng chức sắc, tu sĩ của Công giáo và đạo Tin Lành trực tiếp tham gia chăm sóc các bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị Covid-19.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhấn mạnh, những đóng góp về vật chất, tinh thần, nhân lực của các cơ quan, tập thể, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân, trong đó có sự hỗ trợ, chia sẻ, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, là những nghĩa cử cao đẹp, giàu tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc, là nguồn động viên to lớn giúp TPHCM vượt qua mọi khó khăn, để sớm trở lại cuộc sống "bình thường mới".
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố đã tổ chức 246 đoàn giám sát đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, các bệnh viện điều trị Covid-19, các khu cách ly tập trung; các hộ lao động nghèo trong các khu phong tỏa, khu lưu trú công nhân, khu nhà trọ, khu lao động nghèo đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
Qua giám sát, các đoàn giám sát đã đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là UBND phường, xã, thị trấn cần quan tâm hơn đến việc kiểm tra, rà soát kỹ danh sách các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo hướng dẫn của thành phố, tránh sai sót, thiếu đối tượng hoặc trùng lắp, gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức kiểm tra công tác tiếp nhận và phân phối tiền, hàng hóa thiết yếu hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại các kho hàng thuộc Trung tâm An sinh TPHCM và một số quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
Trước kỳ họp lần thứ 4 HĐND TPHCM khóa X, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân TPHCM. Theo đó, cử tri và nhân dân TPHCM đề nghị cần tăng cường kiểm tra các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19; hướng dẫn việc xét nghiệm, cách ly đối với người mắc bệnh (F0), F1.
Người lao động ở các tỉnh là một lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế TPHCM. Vì thế, trong quá trình triển khai kế hoạch xây dựng hơn 18.000 căn hộ cho công nhân, người lao động trong giai đoạn 2021-2025, trước mắt, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Xây dựng TPHCM phối hợp LĐLĐ TPHCM và UBND các cấp khảo sát, xây dựng và triển khai ngay chương trình cải thiện điều kiện chỗ ở, hướng tới mô hình “nhà trọ kiểu mới”.
Mô hình này với các tiêu chí đảm bảo điều kiện sống tốt hơn, an toàn hơn với dịch bệnh cho công nhân, người lao động, với sự đồng hành, góp sức của các doanh nghiệp, chủ nhà trọ, cũng như với các ngành điện, nước, thuế.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, UBND TPHCM cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hiệu quả chương trình tái cấu trúc kinh tế; các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài nhằm đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế, để tạo công ăn việc làm cho người dân.
Góp ý thực hiện tổ chức chính quyền đô thị hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM dẫn ý kiến các chuyên gia đề nghị, các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TPHCM phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác, đồng bộ, tránh “cát cứ”. Đồng thời, tập trung triển khai ngay chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục