Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Học trực tuyến hiệu quả không cao, chi phí lớn và nhiều hệ lụy

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, trong tuần này, TPHCM sẽ làm việc với ngành giáo dục, ngành y tế để sớm hoàn thiện kế hoạch mở cửa lại trường học. Riêng 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn, có thể tổ chức cho học sinh đi học trở lại sớm hơn.

Sáng 16-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 10 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.

Tổ ĐBQH đơn vị 10 gồm các đại biểu: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM.

Buổi tiếp xúc được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Củ Chi tới các điểm cầu tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Củ Chi và Hóc Môn.

Tham dự buổi tiếp xúc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Phan Văn Mãi; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Học trực tuyến hiệu quả không cao, chi phí lớn và nhiều hệ lụy ảnh 1 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Ảnh: CAO THĂNG

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ ĐBQH đơn vị 10, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trao đổi về một số trọng tâm trong công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ, TPHCM đã trải qua thời gian dài và rất khó khăn để ứng phó với đại dịch Covid-19. Ngày 19-11 sắp tới, TPHCM sẽ cùng cả nước tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND TPHCM nhận xét, hiện nay, TPHCM đã vượt qua đỉnh dịch – giai đoạn khó khăn nhất – nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do vậy, không được chủ quan, lơ là mà phải tiếp tục kiểm soát dịch để ổn định đời sống và mở dần các hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Với tinh thần đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM đang xây dựng kế hoạch trên 3 trụ cột: phòng chống dịch, phục hồi kinh tế và an sinh xã hội.

Trong phòng chống dịch, rút kinh nghiệm từ đợt dịch vừa qua, TPHCM tập trung củng cố hệ thống, lực lượng, phương pháp để theo dõi diễn biến dịch hàng ngày, đánh giá tình hình dịch hàng tuần trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn và tới từng khu phố, ấp.

“Các biện pháp theo dõi, giám sát, phòng chống dịch phải hết sức tập trung; xem đây là yếu tố quyết định trong đảm bảo các hoạt động sinh hoạt đời sống, xã hội”, Chủ tịch UBND TPHCM cho hay.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, sự phối hợp giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với địa phương và ngành y tế trong quản lý F0 đang có sự chuệch choạc. Nhiều trường hợp F0 được phát hiện ở nhà máy, xí nghiệp không được thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương đưa đi cách ly  mà để cho F0 về nơi ở trọ, nơi cư trú thời gian dài.

Đồng chí cho biết, TPHCM đã yêu cầu ngành y tế khắc phục, khép kín kẽ hở này, đảm bảo sự phối hợp thông suốt để phát hiện sớm F0, đưa đi cách ly và tổ chức cấp phát thuốc.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình và Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền trong buổi tiếp xúc cử tri vào sáng 16-11. Ảnh: CAO THĂNG

Trong phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, thời gian giãn cách xã hội kéo dài đã khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm dừng, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội cũng như sinh kế người dân.

Do vậy, khi dịch được kiểm soát, TPHCM đã mở dần các hoạt động kinh tế - xã hội theo nguyên tắc an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa tới đó. Việc phục hồi không chỉ tạo ra doanh thu, tăng trưởng mà còn là công ăn việc làm, giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, đến nay, TPHCM đang cơ bản phục hồi dần. Cụ thể, gần 100% doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã hoạt động trở lại, quy mô hoạt động từ 70-90% tùy ngành.

Tuy nhiên, các cơ sở ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là các ngành dịch vụ  chưa đạt công suất tối đa như mong muốn. Bởi, việc này phụ thuộc vào thị trường, đầu vào, lao động và các điều kiện khác như vốn để tổ chức lại sản xuất.

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, cùng với các chính sách của Trung ương, TPHCM cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, TP đang hoàn thiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chia làm 2 giai đoạn: từ nay đến giữa năm 2022 là giai đoạn phục hồi và từ giữa năm 2022 trở đi là giai đoạn phát triển.

Về bao phủ vaccine, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM là một trong những nơi được ưu tiên vaccine sớm, đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, hiện còn một bộ phận người dân chưa tiêm vaccine vì nhiều lý do. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM đã yêu cầu các địa phương tiếp tục vận động người dân chưa tiêm vaccine đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm.

Về việc tiêm vaccine mũi 3, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đã có sự chuẩn bị và đăng ký với Bộ Y tế. Song, đặt trong bối cảnh nhiều địa phương khác có tỷ lệ bao phủ vaccine chưa cao, nên việc tiêm mũi 3 là cần thiết nhưng cần tính toán trên tương quan chung. Tùy thuộc vào lượng vaccine, TPHCM sẽ cân nhắc tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và người có nguy cơ cao; nếu có đủ nguồn vaccine, TPHCM sẽ tổ chức tiêm mũi 3 cho người dân.

Về tiêm vaccine cho trẻ em, đến nay, TPHCM đã cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Hiện tại Sở Y tế TPHCM chuẩn bị vaccine để tiêm mũi 2 cho các em. Đây là điều kiện rất quan trọng để chuẩn bị cho các em quay trở lại trường học.

Đề cập đến vấn đề được nhiều người dân quan tâm là mở cửa lại trường học, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng với một thành phố có 1,7 triệu học sinh như TPHCM.

Đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận, thời gian qua, học sinh phải học trực tuyến và cách học này gây nhiều khó khăn. Nhiều học sinh không có thiết bị, học sinh không được giao tiếp trực tiếp, thậm chí có thể hình thành thói quen không tốt như nghiện game.

“Chưa có điều kiện nghiên cứu đầy đủ nhưng qua nghiên cứu chuyên đề và ý kiến của chuyên gia cho thấy, việc học trực tuyến kéo dài gây nhiều hệ lụy. Nói nôm na thì như sản xuất “3 tại chỗ”, chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải. Nếu kéo dài thì hiệu quả không cao, chi phí lớn và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi so sánh.

Trước thực trạng như thế, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế TPHCM chuẩn bị các điều kiện có thể mở lại trường học. TPHCM cũng đã thí điểm đi học trở lại tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) để có kinh nghiệm thực tiễn.

“Trên địa bàn TPHCM có rất nhiều xã "vùng xanh" và TP cố gắng thực hành tiêu chí trường học an toàn, xử lý nếu có các tình huống xảy ra. Trong tuần này, TPHCM sẽ làm việc với ngành giáo dục, ngành y tế để sớm hoàn thiện kế hoạch mở cửa lại trường học”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay và nhấn mạnh 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn, có thể tổ chức lại trường học trước.

Trong phòng chống dịch, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, TP quan tâm củng cố hệ thống y tế cơ sở.

Về nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, đây là một vấn đề bức xúc trong thời gian dịch bệnh diễn ra. TPHCM đang tập trung 3 trụ cột phòng chống dịch, phục hồi kinh tế và an sinh xã hội. Trong đó, nhà ở xã hội là một trong những nội dung trong trụ cột an sinh xã hội gồm: nhà ở, việc làm và hỗ trợ những người khó khăn (người nghèo, cận nghèo…).

TPHCM đang chỉ đạo ngành xây dựng phối hợp ngành liên quan để triển khai kế hoạch phát triển nhà ở TP giai đoạn 2020 – 2025 trong đó phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp, nhà ở thay thế các nhà trên và ven kênh rạch, nhà ở thay các chung cư cũ, nhà ở xã hội khác để đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân TPHCM.

Tin cùng chuyên mục