Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Đề xuất cơ chế thuê người làm Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước ​

Trước thực tế biến động nhân sự cấp cao ở các doanh nghiệp nhà nước và việc tìm kiếm nhân sự thay thế rất khó khăn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ cần nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất cơ chế thuê người làm tổng giám đốc các DN nhà nước.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu trong buổi làm việc với Sở Nội vụ. Ảnh: CAO THĂNG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu trong buổi làm việc với Sở Nội vụ. Ảnh: CAO THĂNG

Ngày 18-3, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu đoàn công tác của UBND TPHCM có buổi làm việc, phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Sở Nội vụ năm 2021.

Không hành động quyết liệt cải cách hành chính thì giữa lời nói và việc làm là con đường rất xa

Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính, thành lập TP Thủ Đức, số lượng cán bộ dôi dư là rất lớn. Tại TP Thủ Đức với 34 phường, số lượng cán bộ dôi dư khoảng 305 người. Cùng với đó là sắp xếp nhân sự tại 215 phường của 16 quận khi không tổ chức HĐND tại quận, phường.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu chủ đề năm 2021 của TPHCM là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, Sở Nội vụ TPHCM có vai trò rất lớn, là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) TPHCM, nên Sở Nội vụ phải là đơn vị đi đầu trong CCHC, trước hết phải là tấm gương trong CCHC tại cơ quan của mình.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong nêu tình trạng doanh nghiệp (DN) còn phiền lòng trong việc các sở, ngành, quận, huyện chậm trễ giải quyết các vướng mắc, khó khăn của DN. DN và người dân cũng kêu ca về sự phối hợp giữa các sở ngành, sở này đẩy sang sở kia. Theo đồng chí, nhiều DN đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, áp lực vì lãi suất ngân hàng và khi gặp khó khăn, vướng mắc thì DN mới gõ cửa hỏi cơ quan Nhà nước để giải quyết khúc mắc nhưng cán bộ lại để DN phải chờ đợi.

Không chấp nhận tình trạng này, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ rõ: “Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta, phải khẩn trương giải quyết, không để DN chờ đợi. Cán bộ cần đặt mình vào tâm trạng của người dân, doanh nghiệp để thấu hiểu, chia sẻ và hành động”.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trụ cột của chính quyền kiến tạo là CCHC và yêu cầu người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị phải nỗ lực, quyết liệt CCHC cũng như truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp dưới. Theo đồng chí, nếu không có hành động quyết liệt CCHC thì sẽ dẫn tới giữa lời nói và việc làm là con đường rất xa!

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng lưu ý cán bộ, công chức khi làm bất cứ công việc gì, bên cạnh trách nhiệm mà thiếu tấm lòng thì khó có thể hoàn thành xuất sắc. Đồng thời, cảnh báo đội ngũ cán bộ, công chức đương chức bây giờ nếu không nỗ lực CCHC thì mai mốt khi về hưu sẽ… “thấy cảnh” (trở thành nạn nhân của thủ tục hành chính phức tạp – PV).

Thái độ với công việc mới là quan trọng

Liên quan đến công tác cán bộ, Chủ tịch UBND TPHCM nhắc nhở chung đội ngũ cán bộ, công chức đã gánh lấy trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao cho thì khi chất lượng đời sống người dân bị ảnh hưởng, cán bộ phải nhanh chóng giải quyết. Nguyên tắc chung của TPHCM khi chọn cán bộ là việc chọn người chứ không phải người chọn việc.

Trong tuyển dụng và sử dụng cán bộ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý, chỉ có chuyên môn là chưa đủ. Đồng chí dẫn chứng biểu đồ nhân sự trong đó kiến thức chiếm 4%, kỹ năng chiếm 26% còn thái độ chiếm tới 70%. Nên khi bố trí nhân sự, chuyên môn là cơ sở ban đầu để bố trí nhân sự và sau đó, dựa vào kỹ năng, thái độ sẽ từ từ bố trí ở vị trí cao hơn.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ cần phối hợp với Học viện Cán bộ TPHCM để đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu công tác. Ảnh: CAO THĂNG

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, thực tiễn cũng cho thấy, chuyên môn tốt chưa phải là tất cả, mà thái độ với công việc mới quan trọng. Cán bộ ở vị trí càng cao chừng nào thì thái độ càng hết sức quan trọng.

“Hiện nay, một số cán bộ ở vị trí rất thấp có chuyên môn rất giỏi, nhưng khi bố trí vị trí cao, có lúc chạm phải khó khăn là xin chuyển nơi khác, hoặc xin nghỉ việc”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu thực tế.

Chủ tịch UBND TPHCM dẫn chứng một số cán bộ sau khi đi đào tạo theo chương trình thạc sĩ – tiến sĩ đã cam kết phục vụ trong hệ thống chính trị, nhưng bây giờ lại sẵn sàng trả lại tiền để đi làm ở các công ty có lương cao hơn, rủi ro ít hơn. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng đó là điều mà TPHCM cần suy nghĩ về các chính sách, về môi trường làm việc. Và khi tạo nguồn cán bộ, cần chú ý đến tinh thần vươn lên của cán bộ. Với bản thân cán bộ, công chức, nếu cứ thấy khó khăn trước mắt mà nản lòng, ngã quỵ, thiếu tinh thần vượt khó, thì sẽ không có sự trưởng thành.

Từ thực tiễn trên, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ cần phối hợp với Học viện Cán bộ TPHCM để đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu công tác.

Đối với nhân sự ở các DN nhà nước, Chủ tịch UBND TPHCM dẫn chứng thực tế biến động nhân sự cấp cao ở các DN và việc tìm kiếm nhân sự thay thế là rất khó khăn. Một số cán bộ nhà nước do yêu cầu công tác, chuyển sang làm tổng giám đốc các DN nhà nước nhưng không quen. Do nhiệm vụ phân công thì phải nhận nhưng có rất nhiều rủi ro, bởi việc quản trị DN đòi hỏi các yêu cầu khác với quản lý nhà nước. Từ đó, đồng chí yêu cầu Sở Nội vụ cần nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất cơ chế thuê người làm tổng giám đốc các DN nhà nước. Cùng với đó, Sở Nội vụ phải phối hợp với Văn phòng UBND TPHCM tham mưu cho UBND TPHCM theo dõi, xử lý, tháo gỡ các vướng mắc của DN nhà nước một cách thường xuyên, toàn diện.

Trên cương vị là người đứng đầu chính quyền TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong chia sẻ, bản thân mình rất buồn mỗi khi nhận đơn đề nghị nghỉ việc, hoặc chuyển công tác của các cán bộ chủ chốt. Thời gian qua, các trường hợp nghỉ, hoặc chuyển công tác đều là vì hoàn cảnh gia đình, vì điều kiện riêng. Đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý lãnh đạo các đơn vị cố gắng xây dựng môi trường công tác thân thiện, hài hòa, chia sẻ với các cán bộ, công chức.

Về thực hiện chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu cho UBND TPHCM tổ chức thực hiện Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Đối với TP Thủ Đức, đồng chí cho biết, số lượng Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức là 3 người, không được 4 người như đề xuất trước đó. Đồng chí yêu cầu việc sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư ở TP Thủ Đức phải xong trước năm 2022. Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Nội vụ đánh giá lại hiệu quả của việc phân cấp, ủy quyền trên địa bàn TPHCM.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM LÂM HÙNG TẤN: Kỳ thi tuyển công chức TPHCM dự kiến tổ chức vào tháng 4-2021


Vì dịch Covid-19 nên kỳ thi tuyển công chức ở TPHCM đã dời lại và dự kiến tổ chức vào tháng 4-2021.

Hiện nay, có gần 2.400 thí sinh đủ điều kiện dự thi. TPHCM đổi mới trong công tác thi tuyển, vòng 2 có thi vấn đáp để đánh giá sát hơn trình độ, năng lực của ứng viên.

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM NGUYỄN VIỆT DŨNG: Cán bộ cần được rèn về kỹ năng, tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề


Nhiều cán bộ, công chức khá yếu trong giải quyết công việc thực tiễn, làm không được, hoặc làm nhưng chất lượng không cao. TPHCM nên nghiên cứu, thay đổi cách tuyển dụng công chức để chọn được người có chuyên môn và quan trọng hơn là có kỹ năng, tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề, giải quyết các công việc.

Đồng thời, việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức cũng cần thay đổi. Hiện nay, cán bộ đi học rất nhiều, thậm chí có cán bộ phường đăng ký đi học tiến sĩ sinh học mà không biết học để làm gì! Trong khi đó, nhân sự ở khu vực công vốn cần được đào tạo về chính sách công, tài chính công, đầu tư công… thì nhiều người lại không học.

Tôi cho rằng, việc học của cán bộ, công chức phải khác với việc học của học sinh, sinh viên. Thay vì đi học kiến thức vốn có sẵn trên mạng và trong sách, thì cán bộ, công chức cần được cập nhật kỹ năng mới, phương pháp, cách thức giải quyết vấn đề của thực tiễn. 

Tin cùng chuyên mục