Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rút kinh nghiệm về tình trạng ĐBQH vắng họp nhiều

"Ngày nào cũng vắng không dưới 30 người, có ngày vắng 100 người, có đoàn vắng 50% số đại biểu, 7 người vắng 4, vắng ngay cả trong ngày biểu quyết...", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh và cho rằng cần rút kinh nghiệm việc này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu rút kinh nghiệm về tình trạng ĐBQH vắng họp nhiều
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu rút kinh nghiệm về tình trạng ĐBQH vắng họp nhiều

Ngày 16-7, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổng kết kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, có điểm mới đáng ghi nhận là sự có mặt đông đủ đại diện Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN)…

Bàn về vấn đề này, các báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, đại diện Chính phủ, đại diện Ủy ban Trung ương MTTQVN cũng như các ý kiến thảo luận đều đánh giá kỳ họp thứ 7 đã thành công .

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, kỳ họp diễn ra chỉ trong 3 tuần, ngắn nhất kể từ đầu Khoá XIV đến nay, nhưng Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật và vấn đề rất quan trọng, nhạy cảm. Đại biểu thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện tính trách nhiệm cao.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, có một điều đáng lưu ý là số đại biểu vắng mặt quá nhiều.

Chính vì vậy, có những vấn đề rất quan trọng nhưng khi lấy ý kiến thì phiếu thu về quá ít.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rút kinh nghiệm về tình trạng ĐBQH vắng họp nhiều ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu băn khoăn về việc nhiều vấn đề quan trọng không có đầy đủ ĐBQH cho ý kiến. Ảnh: QUOCHOI
“Gần 500 đại biểu mà thu về có hơn 300 là thế nào? Thế là không ổn, vì ý kiến tham khảo có tác động đến nhiều quyết định rất quan trọng trong quá trình diễn ra kỳ họp”.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng vẫn có thể tiết kiệm được thời gian, nếu đảm bảo thời gian gửi tài liệu sớm, đại biểu có thời gian nghiên cứu kỹ.

Tán thành nhận xét của ông Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng có trường hợp họp đoàn ĐBQH mà vắng mặt tới 13 đại biểu, “như thế là không nghiêm túc”.

Liên quan đến tài liệu kỳ họp, bà Nga cũng lưu ý là tài liệu vẫn “gửi đến quá muộn, dẫn đến cơ quan chuyên môn thẩm tra muộn, gửi đến tay đại biểu muộn”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đời sống của một số đạo luật quá ngắn một phần do tổng kết thực tiễn, tổng kết thi hành luật không kỹ; cần phải được làm kỹ hơn.

Cũng về công tác lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng có những luật sửa những vấn đề không bức xúc lắm, trong đó có những vấn đề như đầu tư công - tư, sửa Luật Đất đai nóng bỏng như thế Chính phủ vẫn xin lùi, Quốc hội quyết đưa vào 2020.

“Phải đi vào cái gì cuộc sống đòi hỏi, đi vào thực chất”, ông nói và nhận xét thêm rằng, trong khi cuộc sống đang có những vấn đề nóng bỏng, nhưng dường như những chuyện bàn đến ở nghị trường “vẫn trơn tru quá”…

Tổng kết nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặc biệt lưu ý tình trạng “chưa bao giờ đại biểu đi nước ngoài nhiều như trong kỳ họp”. Ngày nào cũng vắng không dưới 30 người, có ngày vắng 100 người, có đoàn vắng 50% số đại biểu, 7 người vắng 4, vắng ngay cả trong ngày biểu quyết, Chủ tịch nhấn mạnh và cho rằng cần rút kinh nghiệm việc này.

Tin cùng chuyên mục