Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Ngày 8-2, đến thăm Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong ngày đầu xuân mới Nhâm Dần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét kiến nghị của doanh nghiệp về sử dụng linh hoạt tổng số giờ làm thêm trong năm.
Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Trao đổi với lãnh đạo tập đoàn tại trụ sở chính và trò chuyện trực tuyến với các cán bộ, công nhân ưu tú đại diện cho hơn 150.000 người lao động của tập đoàn tại gần 70 điểm cầu ở 31 tỉnh, thành phố trong cả nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới toàn thể cán bộ, người lao động những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Đánh giá năm 2021 là năm thử thách khắc nghiệt nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt với ngành dệt may - một trong những ngành sử dụng lao động nhiều nhất, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, ngành dệt may đã không những trụ vững mà còn đạt được những kết quả phát triển hết sức ấn tượng: kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40,4 tỷ USD, tăng trưởng gần 15%, vượt mức tăng trưởng của năm 2019, bất chấp việc 19 tỉnh phía Nam gần như phải ngừng sản xuất trong suốt quý 3.

Ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và duy trì việc làm cho toàn bộ lao động với thu nhập bình quân trên 8,2 triệu đồng/người/tháng…

“Thành công của ngành dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam là minh chứng hết sức sinh động cho sức sống mãnh liệt và tinh thần linh hoạt, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục chủ động thích ứng với sự thay đổi của dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng khu vực cũng như toàn cầu; tái cơ cấu mạnh mẽ cả về thị trường và quản trị sản xuất, xây dựng mô hình doanh nghiệp sạch, sản xuất xanh và phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam, cả trên thị trường nội địa và quốc tế, quyết tâm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam mà trong đó Tập đoàn Dệt may giữ vai trò hạt nhân, đầu tàu.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tập đoàn cần tiếp tục củng cố, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tập hợp, đoàn kết và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững; thúc đẩy, bảo vệ để công nhân và người lao động được thụ hưởng những thành quả xứng đáng đóng góp cho tập đoàn và đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc 

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên tiếp tục dệt nên những ước mơ, dệt nên khát vọng, dệt nên hoài bão, dệt nên niềm tin vào chính mình, vào tương lai, tiền đồ của đất nước, khi đó, chắc chắn sẽ dệt nên những thành công, kỳ tích mới.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường đã nêu một số kiến nghị về ổn định kinh tế vĩ mô; sớm có hướng dẫn để doanh nghiệp được hưởng các chính sách từ gói chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội; cắt giảm chi phí logistic; linh hoạt sử dụng giờ làm thêm tối đa trong năm…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam ảnh 2 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà, động viên lãnh đạo, cán bộ, công nhân, người lao động ngành dệt may

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Liên quan đến kiến nghị về cho phép doanh nghiệp sử dụng linh hoạt tổng số giờ làm thêm trong năm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục