Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Sửa Luật Đất đai phải tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm” ​

Tiếp tục phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay”.

Sáng 22-9, tiếp tục phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, một trong những nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh là các trường hợp thu hồi đất quy định tại điều 69 và điều 70 dự thảo Luật.

“Cần bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại điều 54, Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Sửa Luật Đất đai phải tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm” ​ ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Cụ thể, cần cân nhắc làm rõ nội hàm của các trường hợp “thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng”; thể hiện rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng của các trường hợp thu hồi đất đối với trường hợp “các dự án tạo quỹ đất theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông để phát triển các khu đô thị, nhà ở thương mại, khu công nghiệp; thương mại, dịch vụ để đấu giá quyền sử dụng đất”; “dự án lấn biển”; “các dự án sử dụng đất vào mục đích xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường ngoài công lập”.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm đất sau thu hồi được sử dụng đúng mục đích. Đối với “dự án xây dựng công trình của tổ chức tôn giáo”, Nhà nước chỉ thu hồi đất để xây dựng công trình của tổ chức tôn giáo thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, điều 181, dự thảo Luật; làm rõ phạm vi thu hồi đất vùng phụ cận đối với dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch. Đặc biệt, cần cân nhắc trường hợp “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý”.

Liên quan mật thiết đến điều này, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, nguyên tắc quy định tại dự thảo (khoản 2, điều 81): “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cần được định lượng cụ thể hơn.

Đồng thời, cần có cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc này để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả. Khoản 3, điều 81, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc bồi thường về đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy quy định như vậy tạo sự linh hoạt và bảo đảm việc bồi thường phù hợp với nhu cầu của người có đất thu hồi và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Sửa Luật Đất đai phải tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm” ​ ảnh 2 Các đại biểu dự họp

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, do đó, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn; quy định thứ tự ưu tiên trong các hình thức bồi thường về đất, bảo đảm thực hiện bồi thường thỏa đáng, công bằng, không gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Sửa Luật Đất đai phải tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm” ​ ảnh 3 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Đồng tình với quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói: “Thu hồi đất là vấn đề rất lớn, nguyên nhân của phần lớn khiếu kiện của người dân. Quy định như dự thảo có đảm bảo giải tỏa được bức xúc này? Nguyên tắc tái định cư “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thì quá đúng rồi, nhưng bằng cách nào? Thế nào là bằng tốt hơn, đây là việc cực kỳ quan trọng, luật phải chỉ ra được để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện”.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay”.

Khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, trong quá trình sửa đổi luật, phải bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022, từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, chứ không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết. Những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, mà chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương.

Đồng tình với quan điểm xây dựng luật đã nêu trong dự án luật, tờ trình, báo cáo thẩm tra, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các dự án luật khác có liên quan nguyên tắc “đảm bảo nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định về pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và được Trung ương khẳng định”.

Sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Trong quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Sửa Luật Đất đai phải tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm” ​ ảnh 4 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp 

Trong áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan thẩm tra cần xem xét để vừa thể hiện Luật Đất đai vừa là luật căn bản, cơ bản về đất đai nhưng phải tuân thủ nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc áp dụng luật.

Đối với giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề khó nhất, quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của HĐND, UBND, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Tin cùng chuyên mục