Chủ tịch Quốc hội: Giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Chiều 14-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp phiên bế mạc và biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7.
Quốc hội họp phiên bế mạc
Quốc hội họp phiên bế mạc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp nhấn mạnh, sau 20 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đã cân nhắc đến từng phương án và được thông qua với sự đồng thuận cao. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Các dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, qua xem xét Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019, Quốc hội nhận định, trong thời gian qua, nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. “Chúng ta tự hào khi Việt Nam vừa được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc với số phiếu rất cao. Điều đó càng khẳng định vị thế của nước ta là một thành viên có trách nhiệm, tích cực trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức mới. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, có các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành để giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Quốc hội đã xem xét và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó, yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục hạn chế, xử lý nghiêm các vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tăng cường quản lý nợ công, vốn đầu tư và bội chi ngân sách, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế.

Tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, bên cạnh ghi nhận nhiều kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, tồn tại; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật nhằm chấn chỉnh các bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong thời gian tới, phát huy tối đa giá trị của đất đai trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Quốc hội đã quyết định chọn chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” để tiến hành giám sát tối cao trong năm 2020.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được cử tri và nhân dân quan tâm đánh giá cao đã cho thấy các nhóm vấn đề được lựa chọn là xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội; các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cử tri. Các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, đưa ra nhiều cam kết nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực phụ trách.

Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp. Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết mới được thông qua; tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi nhiệm vụ để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, bảo đảm tiến độ và có chất lượng cao.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua mỗi kỳ họp lại khẳng định, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống. Quốc hội bày tỏ lòng cảm ơn đối với sự tin tưởng, quan tâm, chia sẻ của đồng bào, cử tri cả nước và mong muốn tiếp tục nhận được sự giám sát chặt chẽ, sự đóng góp ý kiến thẳng thắn, xây dựng để Quốc hội nói riêng, bộ máy nhà nước nói chung hoạt động thực sự có hiệu quả.

Thành công của kỳ họp này có phần đóng góp rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chuẩn bị dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Những dự thảo luật được thông qua tại kỳ họp này đều thể hiện sự lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng của dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM):

Các đại biểu tranh luận sôi nổi, thể hiện tính dân chủ, trí tuệ.

Đây là kỳ họp thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những dự thảo luật liên quan đến tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Tôi đã học hỏi được nhiều từ các đại biểu, bởi có những vấn đề không thuộc chuyên môn, mình không đủ kiến thức để phân định nên lựa chọn theo hướng nào, nhưng thông qua ý kiến phân tích nhiều chiều của các ĐBQH đã giúp tôi quyết định được nên đi theo hướng nào có lợi cho sự phát triển của đất nước và bảo đảm sự phù hợp với quy định pháp luật, với thực tiễn. Đặc biệt, tại kỳ họp này, tranh luận của các ĐBQH thể hiện sự dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, tranh luận cùng với thảo luận đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Tranh luận ở đây để tạo sự thuyết phục chứ không phải là sự phản bác lẫn nhau.Qua kỳ họp cho thấy, các ĐBQH đã truyền tải được tâm tư, nguyện vọng và ý chí của cử tri vào nghị trường. Trong đó có những vấn đề nóng như giải quyết khiếu nại tố cáo kéo dài của người dân liên quan đến đất đai, dự án chậm triển khai, quy hoạch không khả thi, có tác động của lợi ích nhóm hay không, quyền và lợi ích của người dân khu quy hoạch đó được giải quyết như thế nào…Nhiều ĐBQH đã phát biểu rất thẳng thắn, không né tránh.

Thành công của kỳ họp này có phần đóng góp rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chuẩn bị dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Những dự thảo luật được thông qua tại kỳ họp này đều thể hiện sự lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng của dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Ngoài ra, tôi đánh giá cao vai trò điều hành của Chủ tọa các phiên họp, vừa bảo đảm nghiêm túc theo đúng lịch làm việc của Quốc hội nhưng vẫn linh hoạt, uyển chuyển, đồng thời có những gợi ý để giúp các đại biểu phân tích, cũng như có cách nhìn khách quan để có sự lựa chọn, quyết định đúng đắn nhất.

Chủ tịch Quốc hội: Giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ảnh 1 Nhiều ĐBQH đánh giá cao sự điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình):

Chủ tọa điều hành linh hoạt

Mặc dù thời gian diễn ra không dài nhưng kỳ họp đã giải quyết được nội dung công việc khá lớn. Điều mà chúng tôi quan tâm nhất là công tác chuẩn bị, đảm bảo các quy trình của nghị quyết và Luật; chỉ đạo của ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những cơ quan của quốc hội cũng như những cơ quan hữu quan để chuẩn bị các nội  dung cho kỳ họp.

Các dự thảo Luật cũng được chuẩn bị kỹ và chu đáo giúp cho các ĐBQH nghiên cứu thuận lợi, chính xác. Bên cạnh đó là sự đổi mới trong công tác điều hành của chủ toạ và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành khối lượng công việc của Quốc hội đề ra. Chủ tọa điều hành linh hoạt; không khí thảo luận rất sôi nổi, cởi mở nhưng trách nhiệm. Đặc biệt là phần thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau hay trong phiên chất vấn, hay là hoạt động giám sát...

Kỳ họp này đã tổ chức được các hoạt động mang tính tương tác rất lớn giữa hoạt động của quốc hội và cử tri thông qua truyền hình trực tiếp....

Chủ tịch Quốc hội: Giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ảnh 2 Đây là kỳ họp các ĐBQH được tạo thuận lợi trong hoạt động, nhất là khi thí điểm áp dụng công nghệ để giúp ĐB  tra cứu tài liệu.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội):

Áp dụng công nghệ giúp hoạt động của đại biểu chất lượng hơn

Tại kỳ họp này, những vấn đề nóng được các trưởng ngành, thành viên chính phủ trả lời cơ bản khiến cử tri và người dân hài lòng. Bên cạnh đó, khác với những kỳ họp trước, kỳ này áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động của Quốc hội, áp dụng các phần mềm phát cho các đại biểu. Những tài liệu được cập nhật liên tục, rất tiện ích cho các đại biểu. Trước đây mỗi đại biểu phải ôm mấy chục kg tài liệu thì nay đã gọn nhẹ hơn nhiều, giúp việc tìm kiếm, tham khảo tài liệu nhanh gọn.

Tôi ấn tượng với việc điều hành của chủ tọa, rất linh hoạt và phù hợp với nhiều tình huống khác nhau. Chủ tọa đóng góp 1 phần rất quan trọng vào sự thành công của kỳ họp lần này.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):

            ĐBQH được tạo điều kiện góp ý kiến rất công tâm, khách quan

Trong gần 20 ngày làm việc, các ĐBQH đã làm việc với tinh thần khẩn trương, tích cực, đầy trách nhiệm. Tuy nhiên, có một số thảo luận ở tổ, hội trường, nhiều ĐBQH muốn phát biểu nhưng do chỉ trong một buổi nên ít thời gian thảo luận như Luật chính quyền địa phương, Luật về cán bộ công chức, Bộ Luật lao động sửa đổi.

Tôi đánh giá trong kỳ họp này, từ sự điều hành của chủ tọa đến sự nghiêm túc của từng vị ĐBQH, những phát biểu đầy trách nhiệm đối với dự thảo luật hay việc bấm nút thông qua đều hết sức công tâm, khách quan. Ví dụ một số dự án luật đưa ra ban đầu ĐBQH chưa hài lòng như Luật phòng chống tác hại rượu bia, vấn đề tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam chẳng hạn, Quốc hội đã tạo điều kiện cho các ĐBQH góp ý kiến rất công tâm, khách quan.

Tin cùng chuyên mục