Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 _ 27-7-2017)

Chủ tịch nước tặng quà người có công với cách mạng dịp 27-7

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa ký Quyết định số 1330/QĐ-CTN về việc tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017).
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu thăm hỏi mẹ Việt Nam anh hùng Hồng Thị Mười (ngụ quận 7, TPHCM)
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu thăm hỏi mẹ Việt Nam anh hùng Hồng Thị Mười (ngụ quận 7, TPHCM)
Theo đó, mức quà trị giá 400.000 đồng tặng các đối tượng: bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và những cá nhân đã có quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trước ngày 28-7-2017 nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng - thân nhân 2 liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước 31-12-1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Mức quà 200.000 đồng tặng các đối tượng: thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31-12-1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; thân nhân liệt sĩ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ); người thờ cúng liệt sĩ (anh, em, người được họ tộc ủy nhiệm việc thờ cúng liệt sĩ); người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. ° Ngày 19-7, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt biểu dương đại biểu người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi gặp mặt. Tham dự buổi gặp mặt có nguyên Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu và nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh; cùng nhiều tướng lĩnh quân đội... Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết, đến nay cả nước có hơn 1,1 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300.000 liệt sĩ đã quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính. Hàng triệu người nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó có hàng chục ngàn trẻ em bị di chứng tật nguyền… Trong những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên các mặt trận, chiến trường được tiến hành hiệu quả. Từ năm 2007 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã huy động các nguồn đóng góp và động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 618 tỷ đồng; xây dựng hơn 13.500 nhà tình nghĩa; tạo việc làm cho hơn 340 trường hợp là vợ, con liệt sĩ, con thương binh...  ° Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chiều 19-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu tới thăm, tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng và 200 gia đình chính sách có công trên địa bàn quận 7 và quận 8. Tại quận 7, đồng chí Nguyễn Thị Thu tặng quà cho 100 gia đình chính sách có công trên địa bàn quận. Tới nhà riêng thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Hồng Thị Mười, đồng chí Nguyễn Thị Thu ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống và kính chúc mẹ Hồng Thị Mười trường thọ, sống vui khỏe cùng con cháu.  Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu tới Bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8) thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hết (103 tuổi); tới nhà riêng thăm mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thành. Cũng trên địa bàn quận 8, đồng chí Nguyễn Thị Thu đã tới dự buổi tặng quà do UBND quận 8 tổ chức và trực tiếp trao quà tặng 100 gia đình chính sách có công.
Phấn đấu đến năm 2020: 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình 

Ngày 19-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. 

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; công tác người có công với cách mạng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công với cách mạng từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách người có công với cách mạng được mở rộng; việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng; đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã có ý chí vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác người có công với cách mạng vẫn còn những hạn chế nhất định. Một bộ phận người có công với cách mạng vẫn chưa được xác nhận; số liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính còn nhiều; việc huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế; một số nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ xuống cấp chưa được quan tâm tu bổ, tôn tạo; đời sống của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tình trạng khai man hồ sơ, trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội. 

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm sâu sắc về công tác người có công với cách mạng. Luật pháp, chính sách người có công vẫn còn có những bất cập. Công tác quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế, cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng thiếu thường xuyên; việc phát hiện sai sót và xử lý các vi phạm có lúc, có nơi thiếu triệt để. 

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện tốt hơn nữa công tác người có công với cách mạng; phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ sau.

Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thứ hai, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Nghiên cứu, ban hành Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành; rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách người có công với cách mạng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam đang định cư ở nước ngoài; chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; người tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1974 - 1975 nhưng chưa đủ thời gian được cấp huy chương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng. 

Thứ ba, tổ chức tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công với cách mạng, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không để sót. Nghiên cứu, xem xét xác nhận người có công với cách mạng đối với những trường hợp do trước đây chưa đủ điều kiện xác nhận, hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là không đủ điều kiện, nhưng nay có thêm được cơ sở, căn cứ xác nhận khác theo quy định. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; từng bước rà soát, phân loại và có hướng giải quyết đối với các đối tượng người có công với cách mạng còn tồn đọng ở cấp cơ sở. 

Thứ tư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15-5-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ. Tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. 

Thứ năm, kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng. 

Thứ sáu, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công với cách mạng và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thứ bảy, phát huy vai trò của MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách người có công với cách mạng; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công với cách mạng, kiến nghị với cấp ủy và cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng. 

Về tổ chức thực hiện, Ban Bí thư yêu cầu các ban của Đảng, ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tỉnh ủy, thành ủy tổ chức nghiên cứu, quán triệt chỉ thị tới cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân; có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện chỉ thị này. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo nghiên cứu xây dựng, ban hành pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành; rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật khác có liên quan. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật, các cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng và tình hình triển khai, kết quả thực hiện chỉ thị. Ban Bí thư giao Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ LĐTB-XH thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện chỉ thị này. Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

Tin cùng chuyên mục