Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ và Liên bang Nga

Đêm 25-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ từ ngày 25-11 đến 29-11 theo lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin và thăm chính thức  Liên bang Nga từ ngày 29-11 đến 2-12 theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. 
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm Thụy Sĩ đúng dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Thụy Sĩ. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin và hội kiến Chủ tịch Hội đồng quốc gia Andreas Aebi.

Tại Geneva, Chủ tịch nước sẽ gặp Tổng giám đốc Văn phòng Liên hiệp quốc (LHQ) tại Geneva, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). 

Nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ rất hy vọng và trông chờ chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Thụy Sĩ. Tổng thống Thụy Sĩ, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu sẽ chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao với sự tham dự của lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Thụy Sĩ. 

Trả lời phỏng vấn TTXVN, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan cho biết, chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chứa đựng những thông điệp đầy ý nghĩa trên 3 phương diện. 

Thứ nhất là ý nghĩa biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ, tài sản vô giá được lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, xây dựng trong suốt nửa thế kỷ qua. Việt Nam luôn ghi nhớ Thụy Sĩ là một trong những nước Tây Âu đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1971 khi chiến tranh chưa kết thúc. 

Thứ hai là thông điệp cam kết mạnh mẽ với tầm nhìn hướng tới nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác, đưa quan hệ song phương với Thụy Sĩ đi vào chiều sâu, thực chất trong những năm tới.  

Thứ ba là thông điệp đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp tục đưa chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương, trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Việt Nam.

Những năm gần đây, quan hệ hợp tác song phương có bước phát triển mạnh mẽ. Thụy Sĩ đã trở thành đối tác thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Trao đổi thương mại đạt kỷ lục 3,6 tỷ USD trong năm 2019.

* Theo nguồn tin từ Tổng lãnh sự quán Thụy Sĩ tại TPHCM, ngày 24-11, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam và Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) đã khánh thành Phòng Hội thảo Geneva tại tòa nhà giảng đường mới của học viện.

Ông Ivo Sieber, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam và bà Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc DAV, cắt băng khánh thành. Phát biểu tại buổi lễ, ông Ivo Sieber nhấn mạnh, Phòng Hội thảo Geneva đánh dấu thêm một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa Thụy Sĩ và Việt Nam.

Chia sẻ với hãng thông tấn Sputnik về quyết định chọn Liên bang Nga là một trong những nước đi thăm đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với tầm quan trọng của quan hệ truyền thống tin cậy, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, chuyến thăm này thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với quan hệ Việt - Nga cũng như với cá nhân Tổng thống Vladimir Putin kính mến, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục