Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Lắng nghe ý kiến xã hội khi ban hành cơ chế đặc thù

TPHCM sẽ thực hiện tốt quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; lấy ý kiến các chuyên gia, lắng nghe ý kiến xã hội trước khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đang phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: KIỀU PHONG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đang phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: KIỀU PHONG

Sáng 28-12, phát biểu tại buổi họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2018, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trình bày tóm tắt những kết quả TPHCM đạt được trong năm 2017 như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,25%; thu ngân sách thực hiện 347.982 tỷ đồng (vượt dự toán). Khách quốc tế đến TP đạt 6,4 triệu lượt, tăng 22,88%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 78,3 tỷ USD. Dư nợ tín dụng ngân hàng tăng trưởng mạnh, đạt 1.746.000 tỷ đồng (tăng 18,5%); lượng kiều hối đạt 5,2 tỷ USD, trong đó 70% tập trung vào đầu tư kinh doanh sản xuất.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 365.700 tỷ đồng, tăng 18%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 6,38 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ.

Trong năm 2017, TPHCM cũng công bố đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh nhằm phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, hướng đến hình thức quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở các dự báo, tích hợp các nguồn lực, sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất gắn với Internet và trí tuệ nhân tạo…

Về chuẩn bị triển khai kế hoạch năm 2018, Chủ tịch UBND TP khẳng định ngay sau khi Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được ban hành, Thành ủy, HĐND TP ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, UBND TP ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với 21 nội dung, đề án cụ thể, bắt đầu ngay từ quý I-2018.

“Trong quá trình triển khai, TPHCM sẽ thực hiện tốt quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; lấy ý kiến các chuyên gia, đánh giá tác động xã hội, lắng nghe ý kiến xã hội trước khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và khẳng định, với phương châm “quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo”, TPHCM quyết tâm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, xứng đáng với niềm tin mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đã dành cho, để TPHCM có điều kiện phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Tuy vậy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hỗ trợ TPHCM hoàn chỉnh, thẩm định các đề án thuộc thẩm quyền của Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM để đảm bảo thông qua trong năm 2018, bắt đầu triển khai năm 2019.

Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Thành Phong còn cho biết trong trong tờ trình của TPHCM tại buổi làm việc với Bộ Chính trị về báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, TPHCM đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh một số nghị định theo hướng tiếp tục phân cấp mạnh mẽ trên một số lĩnh vực (xem thêm trong box). Vì vậy, TPHCM sẽ khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung và trình Chính phủ ngay trong quý I-2018, mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo.

TPHCM đề nghị Chính phủ sửa đổi 5 nghị định để phân cấp mạnh mẽ. Cụ thể:

- Đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2014 và Nghị định 37/2014 theo hướng “Phân cấp cho UBND TP được quyết định số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận huyện theo quy định của Chính phủ”.

- Đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 42/2017 theo hướng “phân cấp cho các cơ quan chuyên môn của TPHCM tổ chức thẩm định thiết kế (thiết kế cơ sở; thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công) đối với toàn bộ công trình sử dụng vốn khác (ngoài ngân sách) đầu tư xây dựng trên địa bàn TPHCM (kể cả công trình cấp I, cấp đặc biệt)”.

- Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 37, Nghị định 43/2014  và Khoản 23, Điều 2, Nghị định 01/2017 theo hướng cho phép UBND TPHCM phân cấp cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) được trực tiếp ký cấp giấy chứng nhận và đóng dấu của Chi nhánh VPĐKĐĐ đối với các trường hợp biến động mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản được lựa chọn hình thức cập nhật hoặc cấp mới giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục