Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ: Chủ động 4 phương án bỏ phiếu trong lúc phòng chống dịch

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ khẳng định: “TPHCM chủ động 4 phương án bỏ phiếu phù hợp trong lúc phòng chống dịch Covid-19”.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23-5) đang cận kề trong khi dịch Covid-19 tiềm ẩn diễn biến khó lường, phức tạp. Trao đổi với PV Báo SGGP về phòng chống dịch Covid-19 khi bầu cử, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TPHCM, khẳng định: “TPHCM chủ động 4 phương án bỏ phiếu phù hợp trong lúc phòng chống dịch Covid-19”.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ kiểm tra công tác tổ chức bầu cử tại thành phố Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG


Tiếp xúc cử tri trực tiếp và trực tuyến

- PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, các ứng cử viên đang liên tiếp có các buổi tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri có sự thay đổi, thích ứng như thế nào trong lúc dịch Covid-19 phức tạp?

Chủ tịch HĐND TPHCM NGUYỄN THỊ LỆ: Qua tổng hợp cho thấy, số lượng các buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn TPHCM lên tới hàng trăm cuộc. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ủy ban Bầu cử TPHCM đã chỉ đạo TP Thủ Đức và 21 quận, huyện linh hoạt chuẩn bị phương án tổ chức hội nghị, vừa tiếp xúc cử tri trực tiếp vừa tổ chức trực tuyến để vận động bầu cử đảm bảo phòng chống dịch. Thực hiện chỉ đạo trên, các địa phương đã nhanh chóng tổ chức kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến như: quận 5, quận 7, quận 8, quận 11, huyện Củ Chi, Hóc Môn...

Bằng cách này, các hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức đảm bảo đúng yêu cầu thành phần tham dự hội nghị theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, vừa đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch Covid-19 là không tập trung quá đông người, đảm bảo khoảng cách; đồng thời cũng rút ngắn được thời gian, số lần tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri.

- Gần đây, đồng chí có các cuộc kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị bầu cử tại một số địa phương. Đồng chí đánh giá việc tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên được triển khai ra sao?

Cùng với các hội nghị tiếp xúc cử tri thì việc tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên là rất quan trọng. Qua kiểm tra thực tế ghi nhận một số địa phương đã nhanh chóng triển khai theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Để tổ chức hiệu quả, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cần tổ chức các buổi mạn đàm trong phạm vi ở tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc liên tổ dân phố, tổ nhân dân nhưng tối đa không quá 3 tổ/cuộc với quy mô phù hợp. Ngoài tổ chức tại địa bàn dân cư, các địa phương cũng cần tổ chức các buổi mạn đàm theo giới, theo ngành, các thành phần dân tộc, tôn giáo… Nơi tổ chức cần rộng rãi, thông thoáng và phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. 

Song song đó, cần kết hợp cung cấp các thông tin cho người dân về ngày bầu cử, địa điểm bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu và vận động người dân đi bỏ phiếu đúng quy định. Như vậy, các buổi mạn đàm sẽ rất thiết thực, giúp cho cử tri nắm bắt thông tin đầy đủ về cuộc bầu cử, về các ứng cử viên, từ đó lựa chọn người xứng đáng trở thành đại biểu của nhân dân.

Tạo sự thuận tiện để cử tri thực hiện quyền bầu cử

- Trong ngày bầu cử, TPHCM có phương án như thế nào để đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 khi cử tri đi bỏ phiếu?

Ủy ban Bầu cử TPHCM đã xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử. Trong đó, nêu ra cụ thể phương án cho 4 tình huống: tổ chức bầu cử tại các khu vực, địa điểm bỏ phiếu; tổ chức bầu cử cho cử tri đang cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội, hoặc phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc Covid-19. 

Tất cả người tham dự phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu khu vực tổ chức địa điểm bỏ phiếu đang thực hiện giãn cách xã hội do có dịch, tổ phụ trách bầu cử phải tăng cường vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khu vực tổ chức bầu cử, xử lý khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu. Cùng với đó là giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người tham dự. Quy trình bầu cử, phân luồng ra - vào một chiều, bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa phù hợp cho cử tri của từng khu vực, điểm dân cư. 

Với tinh thần đảm bảo tất cả cử tri có quyền bầu cử theo quy định đều được bỏ phiếu, cán bộ của tổ bầu cử sẽ mang thùng phiếu phụ (thùng phiếu lưu động) đến tận nhà, tận khách sạn, tận bệnh viện - nơi cử tri đang cách ly, hoặc đang điều trị để cử tri thuận tiện thực hiện quyền công dân của mình. Thành viên các tổ bầu cử sẽ sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân, các biện pháp đảm bảo an toàn đầy đủ khi thực hiện nhiệm vụ. 

- Thưa đồng chí, một vấn đề nhiều người quan tâm là có nên tổ chức bỏ phiếu từ sáng sớm để đảm bảo tiến độ cuộc bầu cử, tránh việc chậm trễ do phải đảm bảo khoảng cách khi bầu cử?

Theo quy định, việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày 23-5. Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn, nhưng không được trước 5 giờ sáng, hoặc kết thúc muộn hơn, nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày. Để đảm bảo thời gian, tiến độ bầu cử, TP Thủ Đức và các quận, huyện cần có phương án bỏ phiếu phù hợp trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, cần bố trí để cử tri bỏ phiếu theo từng khu vực, điểm dân cư theo thời gian nhất định và đảm bảo khoảng cách khi tham gia bỏ phiếu.

Các buổi hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các điều kiện, biện pháp phòng chống dịch Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý tình huống phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc Covid-19 trong quá trình tổ chức họp; bố trí phòng cách ly tạm thời. Bố trí số lượng người tham dự không quá 50% sức chứa của địa điểm tổ chức.

Tin cùng chuyên mục