Chủ tịch đặc khu, ai chọn?

Trả lời phỏng vấn của PV Báo SGGP bên hành lang kỳ họp Quốc hội, ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội bày tỏ quan điểm về lựa chọn Chủ tịch UBND đặc khu để tránh tiêu cực "cài cắm" nhân sự. 
ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội

ĐB Bùi Sỹ Lợi chia sẻ: “Dự thảo quy định Chủ tịch UBND đặc khu do Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu, mà khi bầu xong thì lại do Thủ tướng bổ nhiệm, thủ tục như thế rất phức tạp. Nếu như vậy thì người tài muốn thi vào làm Chủ tịch UBND đặc khu có được không? Vấn đề là cơ chế phải thoáng, vì chúng ta muốn chọn người tài. Xây dựng 1 luật có tính vượt trội để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho phát triển thì thủ tục hành chính phải rất nhanh gọn cởi mở nhưng thế này thì rất phức tạp và với cơ chế này mà Chủ tịch tỉnh muốn “cài cắm” người của mình thì vẫn làm được.

Để ngăn chặn trường hợp đó thì có 2 phương án. Một là để HĐND tỉnh chọn, sau khi trúng thì báo cáo Thủ tướng phê chuẩn. Hai là thi tuyển, thì tổ chức thi tuyển đi người tỉnh nào cũng có thể đến thi tuyển được, người nào thấy bản thân đủ điều kiện đều có thể đến ứng thí, sau đó chúng ta sơ tuyển rồi mang ra HĐND bầu và Thủ tướng phê chuẩn thì điều đó cũng tương đồng với việc Chủ tịch HĐND đặc khu do Quốc hội phê chuẩn.

Về kinh tế, nếu coi đặc khu mà như một mô hình tài chính cấp huyện thì đến khi UBTVQH phê duyệt nguồn vốn bổ sung thì khoản ngân sách này vẫn phải chạy qua ngân sách cấp tỉnh rồi mới chạy về huyện, thế có cần thiết không?

Tôi hoan nghênh cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu nội dung về lao động, việc làm, đào tạo nghề và an sinh xã hội mà UBTVQH góp ý, trước đây chỉ 2 điều thì nay đã là 4 điều. Các nội dung về bảo trợ xã hội, chuẩn nghèo, trợ giúp đã được giao quyền tự chủ cho Chủ tịch đặc khu quyết định.

Tin cùng chuyên mục