Chủ động ứng phó với khó khăn, thách thức

Phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách; tổng kết và kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã kết thúc ngày 2-6. 

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội đạt được thời gian qua. Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, kinh tế thế giới bất ổn từ xung đột quân sự Nga - Ukraine, nhưng đến hết tháng 5, kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tích cực; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về cung - cầu năng lượng, lương thực, cán cân thanh toán được bảo đảm.  

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài (năm 2021, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020). Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt nhiều thách thức, nhất là xung đột Nga - Ukraine làm cho giá dầu, lương thực tăng cao.

Các đại biểu đều bày tỏ băn khoăn khi xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam (năm 2021 đóng góp 74% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và việc triển khai một số chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) còn rất chậm. Điều này làm giảm hiệu quả của chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như chương trình đã đặt ra. 

Về lạm phát, theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, áp lực điều hành và thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm dưới 4% là rất lớn do các yếu tố bất lợi từ bên trong và bên ngoài. Trên thế giới, giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào… đều tăng cao.

Ở trong nước, lạm phát đến từ 4 yếu tố: giá xăng, dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải tăng cao; sức mua tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ; tăng học phí năm học 2022-2023; giá đầu vào và mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tiếp tục tăng, tạo áp lực lên chi phí vốn vay và chi phí sản xuất, tạo sức ép cho tăng giá bán đầu ra.

Qua theo dõi, chỉ số giá tiêu dùng của 5 tháng đầu năm 2022 so với cuối năm 2021 đã tăng 2,48%, tức là gấp khoảng 1,5 lần cùng kỳ của năm trước dịch. Đây là mức tăng cao, phản ánh khá rõ xu thế tăng giá của các mặt hàng thời gian tới.

Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15) và cả giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu 6,5-7%), theo nhiều đại biểu, Chính phủ cần khẩn trương triển khai nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Quốc hội.

Trong đó, cần đặc biệt lưu ý giải quyết điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Những vướng mắc liên quan đến các luật: Đầu tư công, Xây dựng, Đất đai, Đấu thầu… cần phải được khẩn trương rà soát, sửa đổi để tháo gỡ. Đồng thời, Chính phủ cần chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước; quản lý, giám sát các thị trường: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và có giải pháp ổn định.

Trong vấn đề kiểm soát lạm phát, Chính phủ cần nghiên cứu, có các giải pháp về giảm thuế, phí nhằm giảm áp lực tăng giá xăng dầu, tránh tác động tăng giá dây chuyền để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc tăng giá.

Tin cùng chuyên mục