Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Nằm trên địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước, lực lượng vũ trang Quân khu 7 không chỉ làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà còn chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường…
Các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 7 tích cực trồng cây xanh tạo cảnh quan trong đơn vị, gắn liền bảo vệ môi trường
Các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 7 tích cực trồng cây xanh tạo cảnh quan trong đơn vị, gắn liền bảo vệ môi trường

Nỗi lo không của riêng ai

Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó Tư lệnh Quân khu 7, cho biết, quân khu có địa bàn quản lý rộng trên 45.000km2, có nhiều khu vực rất dễ bị tổn thương bởi BĐKH, đặc biệt là dải ven biển như TPHCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Những dao động của yếu tố thời tiết cực đoan và hiện tượng nước biển dâng đã tác động đến công tác huấn luyện, diễn tập, sức khỏe bộ đội và đảm bảo hậu cần, kỹ thuật…

Với người lính, huấn luyện, diễn tập là công tác thường xuyên, trọng tâm tại các đơn vị. Thời tiết nắng nóng làm cho chiến sĩ bị mất sức nhanh, giảm chất lượng học tập và phải kéo dài thời gian huấn luyện. Các cuộc diễn tập tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn sẽ tốn kém, phức tạp hơn. Ghi nhận tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự quốc gia khu vực 3 (Quân khu 7) cho thấy, thời gian gần đây hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông lốc, gió xoáy, khô nóng, nắng hạn, áp thấp nhiệt đới gia tăng và xảy ra bất thường.

Thời tiết cực đoan không chỉ gây trở ngại cho công tác huấn luyện, diễn tập mà tác động đến địa điểm đóng quân và sức khỏe bộ đội. Một số điểm đóng quân tập trung đang đối mặt với nguy cơ khan hiếm nguồn nước. Thực tế, tại địa bàn đứng chân của Sư đoàn 302 (Quân khu 7) đang đối mặt với cảnh thiếu nước.

Từ lâu, nguồn nước đơn vị sử dụng chủ yếu là nước ngầm. Những năm trở lại đây, mực nước ngầm xuống thấp, nên mùa khô tình trạng thiếu nước xảy ra. Sư đoàn tìm cách để khắc phục, nhằm đảm bảo đủ nguồn nước sạch cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ vào mùa khô. Mùa mưa nơi đây thường xuyên xảy ra gió lớn, lốc xoáy làm tốc mái, đổ gãy cây cối trong doanh trại.

BĐKH đã tác động lớn đến công tác đảm bảo hậu cần, kỹ thuật. Nhiệt độ và độ ẩm gia tăng kết hợp với ô nhiễm không khí làm vũ khí, trang thiết bị xuống cấp nhanh, làm tăng chi phí bảo quản, bảo dưỡng. Đại tá Lê Hoài Nam, Cục Kỹ thuật Quân khu 7, cho biết, độ ẩm, độ muối cao làm cho kim loại nhanh bị ăn mòn, mặt kính trong các khí tài quang học bị nấm mốc, các thành phần trong thuốc nổ biến chất…

Khắc phục khó khăn

Theo Đại tá Phạm Phú Ý, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7, bên cạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị chủ động ứng phó, thích ứng với BĐKH và phòng ngừa, khắc phục sự cố môi trường. Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 9 tỉnh, thành trên địa bàn triển khai xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Các đơn vị phải xác định, dự báo BĐKH, nước biển dâng tại vị trí đóng quân, công trình phòng thủ mục tiêu trọng điểm về quốc phòng, an ninh… “Để đảm bảo sức khỏe cho bộ đội, các đơn vị xây dựng phương án cung cấp nước sạch cho mùa mưa, mùa khô và biên giới, hải đảo. Những khu vực thường xuyên bị lũ lụt thì sử dụng bể, túi chứa nước mưa. Các đơn vị chuẩn bị thiết bị lọc nước để đảm bảo đạt tiêu chuẩn khi sử dụng nguồn nước mặt”, Đại tá Phạm Phú Ý nhấn mạnh.

Trong điều kiện BĐKH, yêu cầu công tác kỹ thuật “giữ tốt dùng bền” là thách thức lớn đối với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị kỹ thuật quân khu. 

Nhận thức rõ vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật là yếu tố tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội, quân khu đã có nhiều biện pháp quản lý, bảo quản vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Theo Đại tá Lê Hoài Nam, Cục Kỹ thuật Quân khu 7, chủ động ứng phó với BĐKH, quân khu đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật. Các đơn vị áp dụng phương pháp bao gói, cất giữ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trên cơ sở kết hợp cách làm truyền thống đóng mới hộp với phương pháp bao gói kín theo đặc thù từng vùng biên giới, biển đảo nhằm nâng cao khả năng chịu nhiệt, nước, phòng chống ẩm mốc cho từng loại vũ khí.

Nói về kinh nghiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM, cho biết, chiến tranh đã tàn phá nặng nề môi trường bởi bom đạn, chất độc hóa học. Chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó vẫn còn, tiếp tục gây tác hại nghiêm trọng đến điều kiện môi trường, sinh thái, sức khỏe người dân. Để trả lại môi trường sạch cho người dân, Bộ Tư lệnh TPHCM đã thực hiện rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên địa bàn thành phố, với diện tích hơn 634ha. Các đơn vị thu gom, xử lý trên 60 tấn bom đạn, vật liệu nổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, vũ khí trang bị.

Theo Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, tại hội thảo Quân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH và khắc phục sự cố môi trường tổ chức tại Quân khu 7 đã nhận được 59 tham luận, có nội dung phong phú, hàm lượng khoa học cao, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề mới về tác động, ảnh hưởng của môi trường, BĐKH đến mọi mặt đời sống xã hội, trong các cơ quan, đơn vị quân đội. Đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt của quân đội trong công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH và khắc phục sự cố môi trường.

Tin cùng chuyên mục