Chủ động ứng phó thời tiết, thiên tai khắc nghiệt có tính chu kỳ

Theo các chuyên gia khí tượng, đợt rét đậm, rét hại vừa xảy ra ở miền Bắc và Bắc Trung bộ là đợt mạnh nhất mùa đông 2021-2022. 

Tuy nhiên, theo các dữ liệu của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đợt rét vừa qua không phải là mạnh nhất so với các đợt rét trong khoảng 10-20 năm gần đây. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay đã xảy ra 4 đợt rét lịch sử. Theo các chuyên gia, rét đậm, rét hại có tính chu kỳ. Vì vậy, nếu chủ động triển khai ứng phó sẽ giảm được nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ tháng 3, nhiệt độ ở Bắc bộ có xu hướng tăng dần, trời ấm hơn và khó có thể lặp lại một đợt rét hại trên diện rộng như vừa qua.

Từ tháng 3 đến tháng 8, thời tiết và thiên tai sẽ có những biến đổi về chu kỳ và thời điểm so với mọi năm. Trong tháng 3 và 4, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước sẽ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0-0,5oC; riêng tháng 3 tại Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ thấp hơn 0,5-1oC. Tháng 5, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 6 đến 8, nhiệt độ trung có xu hướng cao hơn 0-0,5oC so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Về không khí lạnh, trong tháng 3 vẫn còn xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại nhưng không kéo dài. Các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong thời gian này chủ yếu lệch Đông nên ở khu vực Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Năm nay, nắng nóng ở Bắc bộ và Trung bộ nhiều khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng không gay gắt và không kéo dài như các năm.

Tin cùng chuyên mục