Chủ động ứng phó mùa mưa bão

Nước ta đang bước vào mùa mưa bão. Tình trạng sạt lở đê biển, sạt lở bờ sông, sạt lở núi vẫn đang diễn ra tràn lan. Với thời tiết cực đoan như lốc xoáy, bão lũ… sẽ là những nỗi lo an toàn về tài sản và tính mạng người dân. Hiện các địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

ĐBSCL: Gấp rút thi công công trình

Có mặt tại tuyến đê quốc phòng đoạn từ Tiểu Dừa (giáp tỉnh Cà Mau) đến vàm Kim Quy (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), chúng tôi chứng kiến đê đang bị sạt lở nghiêm trọng, có nơi lở đến thân đê. Trong khi đó, ở một số đoạn, rừng phòng hộ không còn, nguy cơ vỡ đê rất cao. 

Bà Võ Thị Hồng Út, Chủ tịch UBND xã Vân Khánh Tây (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) cho biết, tuyến đê đi qua địa bàn có 15 đoạn sạt lở, trong đó có 11 đoạn sạt lở đến nỗi xuồng bơi ra vào được, thậm chí có chỗ sà lan chở vật liệu xây dựng cũng đi qua được.

“Hiện UBND tỉnh thống nhất xuất 150 tỷ đồng xử lý sạt lở khẩn cấp nơi đây”, bà Hồng Út cho biết.

Chủ động ứng phó mùa mưa bão ảnh 1 Khắc phục sạt lở đê biển Gò Công (Tiền Giang). Ảnh: NGỌC PHÚC

Tại Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, thông tin: Địa phương đang tập trung xử lý 7 điểm sạt lở nghiêm trọng (dài khoảng 7km) trên tuyến đê biển Tây trước mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với UBND các huyện đi kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, nhằm sớm phát hiện các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê; từ đó có phương án xử lý kịp thời. Để phòng chống lũ bão và triều cường trong năm 2021, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền người dân đề cao cảnh giác; đề nghị các hộ dân chủ động triển khai mô hình tránh trú bão, chằng chống nhà cửa cho an toàn; chính quyền chủ động sắp xếp nơi tránh trú bão cho tàu thuyền. Ngoài ra, từng xã ven biển phải có phương án cụ thể trong việc sơ tán di dân khi xảy ra bão lớn, nguy hiểm. 

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, tỉnh tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể và địa bàn phụ trách cho từng thành viên nhằm hoạt động có hiệu quả, với phương châm “phòng là chính”. 

Miền Trung: Sống treo chờ... sạt lở

Hiện người dân khối 4 và 5 thị trấn Mường Xén (huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Trên núi, ngay phía sau nhà họ ở, xuất hiện nhiều vết nứt, sạt lở bất thường. Khu vực sạt lở có chiều dài khoảng 90m. Dọc theo sườn núi xuất hiện 2 vết nứt, ngoài ra, phía dưới chân núi còn xuất hiện nhiều vết nứt cục bộ với chiều dài 10 - 30m.

Ông Nguyễn Văn Dung, trú khối 4 (thị trấn Mường Xén) cho biết: “Lúc đầu những vết nứt còn nhỏ nên gia đình tôi đã bỏ ra 30 triệu đồng để làm rọ đá lớn kè phía sau nhà, nhưng càng ngày những vết nứt càng rộng ra, đất đá đổ xuống nên rọ đá không phát huy được tác dụng”. 

Cùng cảnh ngộ, ông Đặng Phi Trường, sống dưới chân núi Quyết (phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết, hơn 10 năm nay, tình trạng sạt lở núi Quyết khi có mưa bão vẫn thường xảy ra, khiến người dân bất an.

Ông Trường than: “Cứ hễ có mưa lớn là chúng tôi phải chạy đi sơ tán. Đợt mưa lũ tháng 10-2019, một khối đất đá rất lớn trên núi đổ ập xuống, tràn vào 7 nhà dân ở khối 3, rất may không có thiệt hại về người”.  

Chủ động ứng phó mùa mưa bão ảnh 2 Ông Nguyễn Văn Cương, thôn 3, Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình bên căn nhà bị núi vùi một nửa. Ảnh: NGỌC PHÚC

Tại xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), ngôi nhà cấp 4 của bà Lê Thị Hoe ở xóm Bắc Tiến, nằm bên khe Vũng Đá, ngay dưới chân núi Lê Lê. Bà Hoe kể, trong đợt mưa lũ nhiều ngày liền vào cuối tháng 10-2020, hàng ngàn khối đất đá từ trên vách núi Lê Lê bất ngờ đổ ầm ầm xuống. Rất may, gia đình bà phát hiện kịp và chạy thoát nạn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Thò Bá Rê cho biết, trước tình trạng sạt lở, nứt núi tại thị trấn Mường Xén, huyện đã có phương án xử lý là sẽ đào cắt giảm tải từ trên núi xuống, đồng thời có giải pháp thu gom nước mặt, xây dựng kè và tường chắn đất chống sạt lở. 

Tây Nguyên: Nỗ lực ứng phó 

Tại Tây Nguyên, những ngày này, nhân viên tuần đường của các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh Kon Tum đi kiểm tra thường xuyên các tuyến đường nhằm phát hiện điểm nào nguy cơ sạt lở, đứt đường để báo ngay cho ngành chức năng có hướng xử lý, đảm bảo an toàn giao thông. 

Theo ông Nguyễn Trọng Thọ, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT tỉnh Kon Tum, đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu trúng thầu tập trung vật tư, thiết bị, máy móc, sẵn sàng khi có sạt lở là có ngay phương tiện san gạt thông xe, không để ách tắc. Đối với công trình giao thông như đường sá, cầu treo thuộc quản lý của các địa phương, ngay từ đầu mùa mưa, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu địa phương kiểm tra, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn. 

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, các điểm có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa nằm dọc theo các con sông. Để đảm bảo an toàn, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án phòng chống thiên tai năm 2021. Trong đó, UBND huyện giao cơ quan đơn vị vận động người dân trước mùa mưa thì trồng cây, tre để giữ đất và gia cố mái ta luy ở những nơi có nguy cơ bị sạt lở; còn khi mưa đến, lũ ống, lũ quét đổ về thì hướng dẫn người dân di dời đến nơi cao ráo, an toàn…

Tại tỉnh Đắk Nông, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cho biết, vừa qua đơn vị đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, địa phương cho kiểm tra, rà soát lại các khu vực có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa, đặc biệt là những khu vực đồi dốc trong khu dân cư, các công trình hồ đập và các tuyến giao thông… để lên phương án xử lý, khắc phục trước mùa mưa đến.

Khoảng 5 - 7 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trong các tháng còn lại của năm 2021, có khả năng xuất hiện 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó có 5 - 7 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. 

Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết, nhiệm vụ đề ra trong mùa mưa lũ bão năm nay là xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập; sẵn sàng phương án vận hành các hồ chứa lớn, không để bị động, bất ngờ. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24 giờ tại các cấp; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều động lực lượng, phương tiện của các bộ ngành, địa phương (trong đó, lực lượng quân đội là nòng cốt ứng phó, xử lý kịp thời, khắc phục hiệu quả các tình huống); chỉ đạo, tổ chức xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là dân quân tự vệ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Bộ TN-MT được giao nhiệm vụ tăng cường mật độ các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nhất là quan trắc mưa; xây dựng bản đồ tỷ lệ lớn (1/10.000) phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để làm cơ sở sơ tán, di dời dân cư khỏi vùng thiên tai. 

                                                                                             VĂN PHÚC 

------------------------------------------------------------

Sạt lở ở Vĩnh Long làm 4 tấn cá điêu hồng giống trôi ra sông

Khoảng 4 giờ 30 phút sáng 1-6, cặp sông Cổ Chiên (thuộc ấp An Thạnh, xã An Bình) xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 70m. Vụ sạt lở làm 4 tấn cá điêu hồng giống của ông Trần Ngọc Trí trôi hết ra sông. Theo ông Hồ Thế Nhu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Hồ, do đất lở đè lên dây chằng của bè nuôi cá, từ đó nhấn chìm bè nuôi cá điêu hồng giống của người dân. Hiện tại bè nuôi cá đã nổi lên và chính quyền cùng người dân đang thống kê thiệt hại ước khoảng 150 triệu đồng. Địa phương yêu cầu những người nuôi cá bè di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.

                                                                                                  QUỐC AN

Tin cùng chuyên mục