Chủ động ứng phó biến thể Omicron

Tính đến ngày 7-1, Việt Nam đã ghi nhận 30 trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại 6 tỉnh thành. Trong đó, Quảng Nam có số ca mắc biến thể Omicron nhiều nhất 14 ca, tiếp đó là TPHCM 11 ca, Thanh Hóa 2 ca, Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng mỗi địa phương 1 ca. Việc mở lại nhiều đường bay quốc tế cùng với sự gia tăng giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là rất lớn.
Tiêm vaccine mũi bổ sung cho người dân huyện Hóc Môn, TPHCM
Tiêm vaccine mũi bổ sung cho người dân huyện Hóc Môn, TPHCM

Tín hiệu tích cực

Sở Y tế TPHCM cho biết, trong tuần cuối năm 2021 và những ngày đầu năm 2022, thành phố ghi nhận gần 5.535 ca mắc mới, đang cách ly tập trung 970 ca và 36.304 ca F0 cách ly tại nhà. Số ca tử vong cũng giảm liên tục từ 40 ca (ngày 28-12-2021) xuống 21 ca trong ngày 6-1. Cấp độ dịch toàn thành phố ở cấp độ 2; thành phố hiện còn 6/21 quận huyện là vùng vàng, 16 quận huyện và TP Thủ Đức đạt cấp độ 1 (vùng xanh). Điển hình nhất là quận Bình Tân, từ quận có diễn biến dịch phức tạp đã được xanh hóa và giữ vững cấp độ trong hơn 2 tuần qua.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19, đặc biệt là biến thể Omicron cần mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả người tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế, xét nghiệm F1 và trả kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát dịch tại địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung cho biết, để được xanh hóa, quận triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống dịch đồng bộ, quyết liệt gồm tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; củng cố hệ thống chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; huy động bệnh viện tư, phòng khám tư tham gia phòng chống dịch... Từ đầu tháng 12-2021, tình hình kiểm soát dịch chuyển biến khả quan, số ca mắc mới giảm sâu (ngày 6-1 còn 7 ca) và từ 16-12-2021 đến nay quận được công nhận là vùng xanh.
BS CKII Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM, kiêm nhiệm giám đốc BV dã chiến 3 tầng số 14 (quận Tân Phú), cho hay, cuối tháng 12-2021, BV tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm hồi sức Covid-19 từ BV Trung ương Huế thuận lợi. Lúc mới tiếp nhận, bình quân mỗi ngày BV tiếp nhận 20-25 ca bệnh nặng.
“Rất mừng những ngày qua BV chỉ tiếp nhận 1-3 ca/ngày. Tín hiệu tích cực này là nhờ các địa phương phòng chống dịch tốt đã giúp BV giảm tải một cách rõ rệt”, BS Nguyễn Thanh Trường nói.
Với các BV điều trị Covid-19 khác, nhất là tuyến BV điều trị F0 trẻ em, gồm BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 và BV Nhi đồng thành phố, đến nay chỉ còn 73 bệnh nhi/3 BV/500 giường, trong khi đó, tháng 12-2021, thành phố có đến 578 trẻ F0 dưới 16 tuổi dẫn đến quá tải tại 3 BV này. Lãnh đạo 3 BV cho biết, số ca F0 trẻ em giảm giúp các BV giảm tải và chăm sóc bệnh nhi tốt hơn.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố thời gian qua, các chuyên gia y tế đánh giá rất tích cực, số ca nhiễm mới giảm sâu thể hiện đã có miễn dịch cộng đồng an toàn nhờ tiêm vaccine, tuy nhiên không thể chủ quan khi biến thể Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam.
Hiện TPHCM ghi nhận 11 ca mắc Omicron trong số 30 ca của cả nước, đều là các trường hợp nhập cảnh đã được quản lý, cách ly tại BV dã chiến số 12. Thành phố đã tiến hành các biện pháp điều tra, truy vết được 223 trường hợp liên quan tới 11 bệnh nhân gồm tổ bay, hành khách đi cùng chuyến bay, nhân viên phục vụ tại khu cách ly… có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Tăng cường phòng ngừa
Trước nguy cơ lây lan của biến thể Omicron, các tỉnh thành cả nước đã lên kế hoạch ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh. Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết, đã ban hành kế hoạch ứng phó nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập, sẵn sàng phương án can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội.
An Giang đề ra các giải pháp như tăng cường quản lý xuất nhập cảnh tuyến biên giới giáp với Campuchia, yêu cầu cách ly tập trung theo quy định toàn bộ người nhập cảnh, bất kể tiền sử tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trên địa bàn. An Giang tăng cường vai trò của Tổ y tế cộng đồng, duy trì các trung tâm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện có, tăng tốc tiêm vaccine mũi tăng cường theo trình tự ưu tiên.
Chủ động ứng phó biến thể Omicron ảnh 1 Người dân ĐBSCL tiêm mũi 3 vaccine Covid-19
Tại Kiên Giang, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, vừa ký văn bản chỉ đạo chủ động kiểm soát biến thể mới Omicron. Theo đó, thực hiện tốt 3 trụ cột phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức 5K cùng vaccine.
Tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu lực lượng công an, quân sự, chính quyền các địa phương, nhất là địa bàn biên giới tăng cường kiểm soát đường biên giới trên bộ, đường thủy, đường biển; quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh, vượt biên trái phép, sớm phát hiện ca bệnh nhiễm biến thể Omicron xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
Tại Gia Lai, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đề nghị tạm dừng các cuộc hội, họp có tập trung đông người cho đến hết Tết Nguyên đán, trừ những trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép và có sự kiểm soát của ngành y tế. Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận trình UBND tỉnh về việc lập 2 khu cách ly, điều trị riêng biệt với biến thể Delta và biến thể Omicron. 
Theo ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay biến thể Omicron đã lây lan ít nhất 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thời gian tới, với việc mở lại nhiều đường bay quốc tế, gia tăng giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022 nên nguy cơ ghi nhận mắc biến thể Omicron từ trường hợp nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn. 
Để ngăn chặn, phòng ngừa sự lây lan của biến thể Omicron, Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, địa phương cần tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh, kiểm tra điều kiện lưu trú nhằm đảm bảo không tiếp xúc người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định; tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ; khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.

TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam:

Tiếp tục nâng cao năng lực y tế

Các nghiên cứu khoa học gần đây làm rõ Omicron là một biến thể đáng quan ngại vì nó có số lượng gene đột biến cao, dễ lây truyền hơn các biến thể đáng quan ngại khác, gồm cả Delta. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có thông tin cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn hay ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng hoặc ảnh hưởng đến khả năng chẩn đoán.

Việt Nam và các quốc gia cần phải có biện pháp, không để hệ thống y tế bị quá tải bệnh nhân Covid-19 và bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Trong đó, tập trung tăng cường tiêm vaccine Covid-19; tiếp tục nâng cao năng lực y tế và y tế công cộng trong việc phối hợp nhịp nhàng hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân, từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc đặc biệt, quản lý sự gia tăng ca bệnh. Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gene ca bệnh Covid-19 để giới khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến thể mới.


BS Trương Hữu Khanh, Chuyên gia bệnh truyền nhiễm:

Tập trung bảo vệ người có nguy cơ cao

TPHCM và các tỉnh thành cần thận trọng, luôn sẵn sàng ứng phó biến thể mới, song song đó đẩy nhanh tiêm mũi 3, 4 cho người có nguy cơ cao, tiêm mũi nhắc lại cho người dân. Ngoài 14 BV dã chiến đang thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 trong mô hình 3 tầng, cần khuyến khích các BV chuyển đổi khu tiếp nhận điều trị bệnh nhân thành khoa điều trị Covid-19 như mô hình của BV Nhi đồng 2 bắt đầu hoạt động từ ngày 7-1.

Thành phố hiện có hơn 600.000 người thuộc nhóm nguy cơ. Trong đó, 25.000 người chưa tiêm vaccine, trong số này có hơn 5.000 người mắc Covid-19 mà không biết. Con số này rất đáng báo động. Thành phố cần bảo vệ từ xa cho nhóm người này bằng ngoài cách phát hiện sớm, cho uống thuốc kháng virus và tổ chức tiêm vaccine ngay cho họ.


Tin cùng chuyên mục