Chủ động tiếp cận thị trường tiêu dùng nội

Trong bối cảnh hàng ngoại nhập đang ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam làm gia tăng sức ép cạnh tranh lên hàng trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhanh chóng chuyển hướng tiếp cận người tiêu dùng nhằm giữ thị phần. Theo đó, ngoài chủ trương vận động người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt, các doanh nghiệp đã cải thiện chất lượng sản phẩm, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá để đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm Việt có chất lượng tốt giúp giữ thị phần tiêu thụ nội địa và gia tăng xuất khẩu
Nhiều sản phẩm Việt có chất lượng tốt giúp giữ thị phần tiêu thụ nội địa và gia tăng xuất khẩu

Bắt tay nhà bán lẻ

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết với lợi thế tiếp xúc trực tiếp nên nắm bắt rõ nhất nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, trong những năm qua, Saigon Co.op đã cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng Việt trong nước thực hiện chương trình chia sẻ thông tin thị trường, hướng dẫn nhà cung cấp, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất, sơ chế đóng gói sản phẩm nhằm nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm và tạo sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

Đồng thuận với ý kiến trên, nhiều chuỗi hệ thống bán lẻ khác như Lotte, Aeon mall… cũng cho biết, nhằm tăng tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của mình, các đơn vị đã thiết lập mối quan hệ gắn chặt với các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.

Theo đó, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn để trở thành nhà cung cấp hàng hóa cho hệ thống siêu thị, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thị trường thế giới. Chỉ tính trong vòng 3 năm qua, tỷ lệ hàng Việt không ngừng gia tăng tại hệ thống siêu thị ngoại, ước tính đạt trên 30%.

Không dừng lại ở hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin và nâng cao chất lượng sản phẩm Việt, các hệ thống bán lẻ còn bắt tay cùng doanh nghiệp trong nước tổ chức nhiều hoạt động kết nối hàng Việt với người tiêu dùng.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, vừa qua, Saigon Co.op đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Tuần lễ hàng Việt”. Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 60 doanh nghiệp thuộc các ngành hàng: hóa mỹ phẩm, may mặc, thủ công mỹ nghệ, nông sản, lương thực - thực phẩm, hàng gia dụng… Sản phẩm trưng bày hầu hết chưa kinh doanh tại chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và cửa hàng Co.op Food.

Trong tuần lễ này, người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm những mặt hàng chất lượng tốt được sản xuất tại Việt Nam; nhiều sản phẩm đủ chất lượng xuất khẩu, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Trước đó, nhiều hoạt động thường niên như “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Đưa hàng Việt đến tay công nhân, người lao động”, “Hàng Việt chinh phục thị trường thế giới”… đã được nhiều doanh nghiệp phối hợp cùng các hệ thống bán lẻ thực hiện.

Cách làm này đã giúp người tiêu dùng nhận diện rõ hơn, cũng như trải nghiệm thực tế chất lượng hàng Việt. Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), cho hay với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, ITPC đã kết nối gần 1.500 lượt doanh nghiệp với các hệ thống phân phối hiện đại: Co.opmart, Big C, Mega Market, Aeon Mall, Satra, Lotte Mart… và đã có 469 biên bản ghi nhớ đưa hàng hóa vào các kênh phân phối được ký kết. Thời gian tới, ITPC sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này.

Nâng chuẩn đạt tầm quốc tế

Hiện hàng Việt ngày càng phong phú về chủng loại sản phẩm. Chất lượng cũng được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người tiêu dùng hiện nay.

Chỉ tính riêng hệ thống bán lẻ Saigon Co.op - đơn vị có tỷ lệ hàng Việt chiếm 90% tại các hệ thống phân phối - đã có hơn 2.000 nhà cung cấp hàng Việt. Trung bình, một siêu thị Co.opmart kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng và được bổ sung thêm 1.700 mặt hàng mới lên kệ mỗi tháng.

Đại diện Bộ Công thương khẳng định, người tiêu dùng trong nước đã bắt đầu xây dựng thói quen ưu tiên tiêu dùng hàng Việt. Tuy nhiên, để có thể phát triển thói quen này theo hướng bền vững, doanh nghiệp nội cũng cần phải chủ động làm mới mình, làm mới sản phẩm nhưng vẫn phải duy trì đảm bảo chất lượng, nhất là trong bối cảnh hàng ngoại đang nhập ồ ạt vào nước ta và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.

Ông Phan Minh Tiên, Giám đốc điều hành Marketing Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), nhấn mạnh thêm, theo khảo sát của tổ chức Kantar WorldPanel tại 4 thành phố lớn của Việt Nam cho thấy, năm 2018 có hơn 97% hộ gia đình sử dụng sản phẩm của Vinamilk và tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cũng trên 86%.

Với thị trường thế giới, kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đạt khoảng 2 tỷ USD (tương đương 45.520 tỷ đồng) và đã có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm nhập khẩu rất cao như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia…

Và để giữ được thị phần nội địa cũng như phát triển thị phần xuất khẩu, Vinamilk đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng nói chung.

Cụ thể, Vinamilk đã liên tục đầu tư phát triển năng lực sản xuất với 13 nhà máy tại Việt Nam, trong đó có 2 siêu nhà máy sữa nước và sữa bột công suất lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất.

Đơn vị cũng đẩy nhanh xây dựng và đưa vào hoạt động các trang trại nuôi bò sữa đạt chuẩn Global GAP, Organic châu Âu… Bên cạnh đó, phát triển và đa dạng hóa các dòng sản phẩm theo xu hướng dinh dưỡng tiên tiến trên thế giới như Organic, A2… nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Có thể nói, mặc dù thời gian gần đây có nhiều sản phẩm ngoại thâm nhập cạnh tranh nhưng sản phẩm Việt vẫn chiếm ưu thế hơn nhờ yếu tố khẩu vị và giá thành.

Sản phẩm của nước ngoài có bao bì thiết kế đẹp mắt và chỉn chu hơn, nhưng về khẩu vị thì đa số không phù hợp lắm với khẩu vị của người Việt Nam. Về giá thì hàng nhập khẩu đa số cao hơn sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, để sản phẩm Việt trụ vững tại thị trường nội, doanh nghiệp Việt phải không ngừng đầu tư nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, sáng tạo sản phẩm mới. Các công nghệ thiết bị, bao bì cũng phải liên tục đầu tư và cải thiện.

Quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng về phía các cơ quan chức năng cần sớm ổn định chính sách để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển. Đặc biệt, sớm thay đổi tư duy đúng nghĩa là cơ quan phục vụ cho doanh nghiệp. Có như vậy mới cởi trói, tạo đà để doanh nghiệp phát triển bền vững và vươn xa.

Tin cùng chuyên mục