Chủ động thiết bị chống dịch

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và gia tăng số người mắc, tử vong vượt khỏi những tính toán, dự liệu của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay những nước phát triển như Anh, Mỹ, Đức, Italy... cũng rơi vào tình trạng “việt vị”, thiếu hụt nghiêm trọng, thậm chí là cạn kiệt trang thiết bị bảo hộ cho y bác sĩ lẫn các thiết bị hỗ trợ điều trị, máy thở, khi số lượng bệnh nhân tăng lên từng ngày, từng giờ.

Những kết quả đạt được trong việc ngăn chặn, phòng chống dịch thời gian qua vẫn không cho phép Việt Nam có thể chủ quan. để chiến thắng dịch bệnh, mang lại sự sống cho các bệnh nhân không may mắc bệnh cũng như để đời sống xã hội sớm trở lại ổn định và phát triển, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đang dồn mọi nguồn lực để ngăn chặn, phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc sản xuất các trang thiết bị y tế phòng hộ cho cán bộ y tế, người dân và các thiết bị y tế, máy móc hỗ trợ cho công tác điều trị.

Việt Nam dù chưa xảy ra tình trạng khan hiếm thiết bị bảo hộ cho cán bộ, nhân viên y tế và thiết bị hỗ trợ điều trị cho người bệnh, nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan, xem thường trước diễn biến khó lường của dịch. Vì thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng phải đẩy nhanh, tăng tốc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp tình hình của đất nước.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra đầu tuần, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng số lượng trang thiết bị, vật tư y tế, máy thở, đồ bảo hộ cho tình huống xuất hiện 10.000 bệnh nhân. Đây được xem là sự chủ động rất lớn của Việt Nam. 

Và chúng ta rất vui mừng khi nhiều cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp trong, ngoài nước hưởng ứng, chủ động, tích cực tham gia vào lĩnh vực sản xuất trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19. Trong đó có thể kể đến Vingroup với quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Tập đoàn này cam kết tặng Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để chống dịch. Không chỉ vậy, với dây chuyền sản xuất ô tô và điện thoại hiện có, Vingroup cũng đã lên kế hoạch sản xuất 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng, không chỉ để phục vụ điều trị người bệnh trong nước mà còn hỗ trợ các quốc gia khác. Không chỉ có sự ủng hộ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Việt Nam còn nhận được sự đóng góp to lớn của của nhiều nhà khoa học, trí thức khắp thế giới mà tiêu biểu là GS Trần Văn Thọ (Việt kiều tại Nhật Bản) và nhà khoa học Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Metran, đã đồng ý hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam sản xuất 2.000 máy thở mini có giá thành thấp và sẽ tăng lên 10.000 máy trong 3 tháng tới.

Tin cùng chuyên mục